Mặc dù nhu cầu trên thực tế rất lớn, trong khi bước đầu nguồn vốn Trung ương cấp mới được 10 tỷ đồng, nhưng sau 5 tháng triển khai thực hiện cho vay nhà ở xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) mới giải ngân được cho 5 hộ, với số tiền 1,1 tỷ đồng.
Nguyên nhân được xác định là do điều kiện để được vay nguồn vốn này quá chặt chẽ, khiến nhiều người không thể, không muốn, hoặc nếu có muốn thì cũng mất thêm khá nhiều thời gian, công sức để hoàn chỉnh những thủ tục cần thiết theo quy định…
Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ (viết tắt là NĐ100), quy định, đối tượng được vay vốn của NHCSXH để làm nhà ở là những người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân, Quân đội Nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật. Lãi suất vay ưu đãi 4,8%/năm, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay; khách hàng được vay mức tối đa 80% giá trị hợp đồng đối với mua nhà ở xã hội, 70% giá trị dự toán đối với xây mới, cải tạo nhà để ở; thời gian vay từ 15-25 năm… Với các ưu đãi này, rất nhiều người đã hy vọng được tiếp cận với nguồn vốn, nhưng khi biết các thủ tục, điều kiện đi kèm, thì đã tỏ ra khá thất vọng, từ bỏ luôn ý định xin vay, bởi họ cho rằng, nhiều thủ tục quá khắt khe, gây khó khăn và đội chi phí cho người vay.
Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Do nguồn vốn có hạn, nên chỉ riêng T.P Thái Nguyên được phân bổ 2 tỷ đồng, 8 huyện, thành, thị còn lại, mỗi địa phương được phân bổ 1 tỷ. Để được vay nguồn vốn này, người vay phải đáp ứng các điều kiện: Có tối thiểu 20% giá trị hợp đồng mua bán/hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội đối với vay vốn để mua/thuê mua nhà ở xã hội; có tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định; có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với NHCSXH; chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội tại ngân hàng khác hoặc các tổ chức tín dụng khác. Với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội phải có hợp đồng hợp pháp với chủ đầu tư dự án. Trường hợp vay vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất nơi đăng ký thường trú do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đất đai; có thiết kế, dự toán hoặc phương án tính toán giá thành theo quy định của pháp luật về xây dựng và có hóa đơn đỏ (hóa đơn tài chính) chứng minh việc mua các thiết bị, vật tư…
Thoạt nghe, các thủ tục, điều kiện để được vay không quá khó khăn, phức tạp nhưng trên thực tế, khi triển khai thực hiện thì rất nhiều người bị vướng. Chị Lưu Thị Kim Thủy, trú tại tổ 13, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên, chia sẻ: Khi biết Thái Nguyên được cấp nguồn vốn, tôi đã đến NHCSXH tỉnh tìm hiểu. Mặc dù tất cả các thủ tục theo quy định, tôi đều đáp ứng đủ nhưng do phải thực hiện nhiều thủ tục (từ việc xin xác nhận của cơ quan để chứng minh về điều kiện thu nhập, chứng minh điều kiện cư trú, đến việc họp bình xét, xin xác nhận của tổ dân phố và UBND phường, rồi cả lập hồ sơ dự toán, thuê thiết kế, xin cấp phép xây dựng…) nên phải sau gần 2 tháng, với sự giúp đỡ rất nhiệt tình của cán bộ NHCSXH tỉnh, tôi mới hoàn thiện được hồ sơ vay vốn. Là công chức nhà nước, tôi hiểu các thủ tục này là để đảm bảo tính chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng, tránh rủi ro, nhưng tôi cho rằng, có nhiều thủ tục đang khiến người vay gặp khó, nhất là việc phải cung cấp được cho cán bộ ngân hàng hóa đơn đỏ. Trên thực tế, không phải vật tư, thiết bị nào khi mua, người bán hàng cũng cung cấp được hóa đơn đỏ, như gạch, cát… Còn với các vật tư khác như xi-măng, sắt thép…, muốn lấy hóa đơn đỏ thì người mua phải chịu thêm từ 5-10% tiền thuế (tùy mặt hàng). Điều này đồng nghĩa với việc chi phí xây dựng ngôi nhà bị đội lên khá nhiều.
Còn theo ông Đào Đại Hiền, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Bình: Do nguồn vốn có hạn nên ban đầu, chúng tôi chỉ chủ trương cho vay tại thị trấn Hương Sơn nhưng sau khi kiểm tra cả 5 hồ sơ xin vay đều không đạt yêu cầu nên chúng tôi đã mở rộng sang cho vay tại 2 xã Thanh Ninh và Tân Đức. Tuy nhiên, cơ bản các hồ sơ chúng tôi nhận được cũng không đạt theo quy định. Mỗi xã chỉ có 1 hồ sơ đạt yêu cầu, chúng tôi đã cử cán bộ hướng dẫn trực tiếp để người vay làm các thủ tục cần thiết để được giải ngân trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Trung Kiên, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) chia sẻ: Qua tìm hiểu và tính toán, để đáp ứng được các yêu cầu mà NHCSXH đưa ra, trung bình mỗi ngôi nhà có dự toán 300-400 triệu đồng sẽ tốn thêm khoảng 25-35 triệu đồng so với thông thường. Số tiền này bao gồm việc mua thiết kế, làm thủ tục cấp phép xây dựng và viết hóa đơn đỏ... Cùng với đó là công sức, thời gian đi lại để làm các thủ tục có liên quan. Trong khi đó, với cách định giá đất tại huyện khá thấp như hiện nay, thì số tiền để được vay tại ngân hàng sẽ không nhiều. Vì thế, tiếng là được vay lãi suất ưu đãi nhưng nếu tính chi li, thì số chi phí phải bỏ ra chẳng thấp hơn nhiều so với vay vốn từ các ngân hàng thương mại.
Tính đến nay, sau hơn 5 tháng triển khai, NHCSXH tỉnh mới giải ngân cho vay theo NĐ100 được 5 hộ, trong đó T.P Thái Nguyên có 2 hộ, các huyện Đại Từ, Định Hóa, T.X Phổ Yên, mỗi địa phương có 1 hộ. Một số chuyên gia kinh tế phân tích: Việc cho vay để mua, xây hay sửa nhà ở đã được các ngân hàng thương mại triển khai từ nhiều năm nay, nhưng các thủ tục đưa ra không quá chặt chẽ, khắt khe như với NHCSXH, mà vẫn cơ bản bảo toàn được nguồn vốn. Một số quy định về hóa đơn đỏ hoặc việc người đứng tên vay phải có hộ khẩu cùng với địa chỉ lô đất định xây… là không cần thiết trong thời điểm hiện tại. Thực tế này rất cần được Chính phủ và NHCSXH Trung ương quan tâm tháo gỡ, để mục đích, ý nghĩa nhân văn mà Nghị định hướng tới đạt được những kết quả như mong muốn, mà vẫn đảm bảo được độ an toàn của nguồn vốn.