Mất mỹ quan đô thị trước cổng Bệnh viện A

15:43, 04/09/2018

Từ nhiều năm nay, trước mặt Bệnh viện A Thái Nguyên đã trở thành địa điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm cây cảnh của Hội sinh vật cảnh T.P Thái Nguyên. Tình trạng này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà cũng khiến việc tham gia giao thông của người dân trở nên khó khăn, là nguyên nhân của nhiều vụ va chạm giao thông…

Có mặt tại Bệnh viện A vào một buổi sáng giữa tuần, chúng tôi thấy khoảng 2/3 diện tích cả chiều dài và chiều rộng của vỉa hè phía trước cổng Bệnh viện được phủ kín bởi rất nhiều cây cảnh lớn nhỏ. Phần diện tích còn lại cũng cơ bản được “dành” cho các hàng quán. Kế tiếp đó là hàng chục xe ôm, taxi đỗ chờ khách; rồi cả những chiếc xe ô tô, mô tô dựng tràn ra đường để mua cây cảnh, trong đó có cả ô tô tải, xe nâng để cẩu, hạ cây cảnh. Điều này chính là nguyên nhân của nhiều vụ va chạm giao thông và tiếp tục tiềm ẩn của những vụ tai nạn giao thông khác nếu không được xử lý.

Ở phía trước mặt bên phải Bệnh viện, nơi có Hiệu thuốc Bệnh viện thời gian gần đây còn trở thành địa điểm tập kết của hàng chục xe đẩy rác để chờ ô tô đến trở đi, gây mùi hôi thối nồng nặc. Bà Nguyễn Thị Hà, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện chia sẻ: Nằm viện đôi lúc thấy mệt mỏi, chúng tôi muốn ra ngoài cổng nhìn người đi đường qua lại cho đỡ buồn nhưng thấy trước cửa Bệnh viện không khí lúc nào cũng hỗn độn, chen chúc của hàng quán, cây cảnh, xe cộ dừng, đỗ ngổn ngang, lại thêm mùi khó chịu của những xe rác, khiến tôi lập tức từ bỏ ý định ra cổng lần 2, mặc dù đã nằm điều trị ở đây 1 tuần. Tôi cho rằng, cảnh quan xung quanh Bệnh viện cần phải được thoáng đãng, sạch sẽ để người bệnh cũng như người nhà và cả các y, bác sĩ cảm thấy thoải mái mỗi khi đến khám, chữa bệnh.

Đồng tình với ý kiến của bà Hà, ông Trần Đức Dũng, phường Cải Đan, T.P Sông Công tỏ ra khá bức xúc: Có rất nhiều chỗ có thể làm nơi trưng bày cây cảnh, mà tại sao thành phố lại bố trí ở mặt tiền một bệnh viện có số lượng người ra, vào lớn như vậy? Nhà tôi trồng cây cảnh nên tôi hiểu, trong quá trình chăm sóc, các loại cây đều phải được bón phân, tưới nước, thậm chí là phun cả thuốc trừ sâu. Vậy thì việc đặt địa điểm giới thiệu và bán cây cảnh ở đây có hợp lý?

Hằng ngày, lưu lượng người ra - vào Bệnh viện rất lớn, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện A tiếp nhận khoảng 2.000 người đến khám và điều trị, khoảng 1.000 người nhà đi cùng, chăm sóc;  thường xuyên có 500 sinh viên các trường đại học, cao đẳng đến thực tập và hơn 600 cán bộ, y bác sĩ làm việc.  Trong khi đó, quỹ đất của Bệnh viện hiện rất chật hẹp nên hầu hết khoảng sân phía trước Bệnh viện đã phải dành cho việc đỗ xe ô tô của cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện và người nhà bệnh nhân. Do đó, việc đi lại trong khu vực phía trước Bệnh viện đã không dễ dàng, nói gì đến việc đứng trước sân để chờ người nhà đến đón hoặc có chỗ đi lại thư giãn. Vì thế, nhiều người buộc phải ngồi chờ phía bên ngoài hàng rào Bệnh viện. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích đã được dành cho trưng bày cây cảnh và là nơi bán hàng của các quán nước, hàng ăn nên nhiều người buộc phải đứng hoặc ngồi ở quán nước vỉa hè, thậm chí là lòng đường.

Thực tế cho thấy, tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày 25/3/2015, UBND tỉnh cũng đã có Văn bản số 671/UBND-QHXD giao cho UBND T.P Thái Nguyên chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu và sớm tham mưu để Hội Sinh vật cảnh thành phố có địa điểm cố định trưng bày, giới thiệu sản phẩm cây cảnh, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 4-2015; chỉ đạo UBND phường Thịnh Đán và Đội Quản lý trật tự xây dựng và giao thông thành phố thường xuyên kiểm tra khu vực phía trước Bệnh viện A để giải quyết tình trạng xe taxi, xe ôm đón trả khách và một số sạp hoa quả, bánh kẹo, không đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn giao thông… Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, địa điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm cây cảnh của Hội Sinh vật cảnh thành phố vẫn tồn tại ở đó. Vì thế, ngày 5/7/2018, UBND tỉnh tiếp tục có Văn bản số 2534/UBND-QHXD yêu cầu UBND T.P Thái Nguyên, Hội Sinh vật cảnh thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 671 trong tháng 7-2018. Nhưng giờ cũng đã hết tháng 8-2018, sự việc tưởng chừng như rất bình thường cũng vẫn chưa được giải quyết và dư luận đặt câu hỏi: Liệu Văn bản số 2534/UBND-QHXD có tiếp tục bị lãng quên như văn bản 671/UBND-QHXD?