Nan giải cung - cầu lao động

17:49, 01/09/2018

Thái Nguyên đang phấn đấu xây dựng tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong bối cảnh đó, cùng với việc thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, nhu cầu về nguồn lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng cao. Tuy vậy, trên thực tế vẫn tồn tại nghịch lý là trong khi các doanh nghiệp đang “khát” nhân lực nhưng số lao động không có việc làm ổn định vẫn ở mức cao.

Những năm gần đây, số lượng các doanh nghiệp, công ty, nhà máy sản xuất tại Thái Nguyên đang gia tăng với tốc độ nhanh. Tỉnh đã tiếp nhận nhiều dự án đầu tư mới với quy mô lớn thuộc nhiều lĩnh vực như: điện tử, may mặc, xây dựng… Nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc tại các dự án này là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong vấn đề tuyển dụng lao động. Chị Hoàng Thị Phương Thảo, Phó phòng Nhân sự, Công ty TNHH Glonics Việt Nam cho biết: Hiện tại, Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng 500 lao động nữ tham gia sản xuất trực tiếp. Tuy nhiên, dù đã sắp vào thời kỳ cao điểm sản xuất nhưng Công ty vẫn chưa tuyển đủ số lao động cần thiết. Điều này xuất phát từ thực tế hiện đang có khá nhiều doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng tham gia tuyển dụng lao động.

Thực trạng này không chỉ xảy ra tại Công ty TNHH Glonics Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp khó trong quá trình tuyển dụng lao động. Chị Nguyễn Thị Hải Anh, Phòng Nhân sự Công ty TNHH SRTech thông tin: 2 tháng nay, chúng tôi đã liên tục đăng thông tin tuyển dụng 1.000 lao động phổ thông. Dù yêu cầu không cao nhưng số lượng ứng viên nộp hồ sơ và số người đủ điều kiện tuyển dụng vẫn chưa đủ.

Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm chia sẻ: Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng có thể tiếp cận được với nguồn lao động, Trung tâm đã liên kết, làm cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động thông qua các buổi giao dịch việc làm và ngày hội tuyển dụng. Cụ thể, định kỳ thứ 6 hàng tuần, Trung tâm tổ chức phiên giao dịch việc làm tại đơn vị. Mỗi phiên có từ 10-15 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng khoảng 200-300 lao động. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức hàng chục phiên giao dịch lưu động tại các xã, phường, thị trấn. Tuy vậy, việc tuyển dụng của các doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn.

Điều đáng nói ở đây là trong khi các doanh nghiệp than khó trong tuyển dụng thì nguồn lao động của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn tương đối dồi dào. Minh chứng rõ nhất là trung bình mỗi phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, phường, thị trấn đều thu hút khoảng 250-300 người đến tìm hiểu thông tin, tìm kiếm cơ hội có việc làm ổn định. Tham gia tìm kiếm cơ hội việc làm tại phiên giao dịch lưu động, anh Trần Văn Thảo, xóm Bản Piềng, xã Thanh Định (Định Hóa) bộc bạch: Do thu nhập từ nông nghiệp không cao nên tôi tới đây để đăng ký dự tuyển vào các công ty. Tuy vậy, các ngành nghề tuyển dụng thì nhiều nhưng để lựa chọn công việc phù hợp, đúng chuyên môn và có thu nhập ổn định thì vẫn khó.

Nhìn thẳng vào thực tế có thể thấy, giữa cung – cầu trên thị trường lao động Thái Nguyên đang tồn tại bất cập. Trong khi các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động nhưng vẫn không tuyển đủ và ngược lại, người lao động muốn tìm việc làm nhưng vẫn không tìm được công việc phù hợp với trình độ, chuyên môn và tay nghề của mình. Chính điều này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp mà còn khiến cho người lao động tự đánh mất cơ hội việc làm cho bản thân. Theo số liệu thống kê năm 2017 của Phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh mới chỉ đạt 62,78%.

Nói về thực tế này, bà Phạm Như Thùy cho biết thêm: Đa phần người lao động đến ứng tuyển là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo bất cứ một ngành, nghề nào. Số khác đã từng làm việc ở nơi khác nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao, làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Để giải quyết thực trạng này, nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp tuyển dụng lao động chưa có tay nghề để đào tạo. Việc này giúp người lao động vừa nhanh chóng thích nghi với môi trường sản xuất, đáp ứng nhu cầu có việc làm vừa giúp doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng lao động hơn.

Đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động là một trong những vấn đề tất yếu để phát triển nền kinh tế. Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Hiện nay, tỉnh đang tích cực quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nguồn lao động. Chúng tôi đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, tư vấn giáo dục nghề nghiệp và việc làm cho lao động nông thôn; tổ chức rà soát lại các nghề đào tạo, bảo đảm các nghề phải phù hợp nhu cầu thực tế, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy vậy, để giải bài toán cung - cầu lao động, vẫn cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương trong việc liên kết đào tạo và cung ứng lao động giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm; kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề, thị trường lao động. Các doanh nghiệp cũng cần quan tâm hơn nữa tới việc đảm bảo quyền lợi của người lao động; tuyên truyền, khuyến khích, động viên người lao động có ý thức trong việc học tập, nâng cao kiến thức, tay nghề cho bản thân. Từ đó, góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đóng góp vào sự  phát triển kinh tế của tỉnh.