Nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và người dân về sử dụng thuốc an toàn

10:44, 17/09/2018

Đã thành thói quen, mỗi khi đau ốm, người dân thường đến các nhà thuốc kể triệu chứng bệnh để mua thuốc uống mà không cần sự thăm khám, kê đơn thuốc của bác sĩ. Tình trạng sử dụng thuốc không có chỉ định, nhất là kháng sinh diễn ra phổ biến ở tất cả các địa phương trên cả nước, trong đó có Thái Nguyên. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Huy, Phó Giám đốc Sở Y tế.

PV: Xin ông cho biết người tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà không có hướng dẫn của bác sĩ sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Việc dùng kháng sinh bao giờ cũng có hai mặt, mặt tích cực là điều trị, diệt vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây tác dụng phụ và dị ứng, nên được coi như “con dao hai lưỡi”. Tùy cơ địa của mỗi người mà thuốc có tác dụng phụ khác nhau như: Gây rối loạn tiêu hóa, dị ứng da, buồn nôn; thậm chí rối loạn thần kinh, suy thận, tổn thương cơ xương... Nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh dễ dẫn đến tình trạng đề kháng kháng thuốc. Các nhóm vi khuẩn, virus có khả năng biến đổi rất nhanh và thích ứng với các loại kháng sinh nên tự tạo ra các dòng vi khuẩn mới để kháng lại, dẫn đến người bệnh phải dùng loại mạnh hơn. Nếu vi khuẩn vẫn kháng với loại kháng sinh mới thì phải tiếp tục thay đổi điều trị bằng kháng sinh khác. Do đó, việc điều trị bằng kháng sinh không thể tùy tiện, nhất thiết phải có khám và kê đơn của bác sĩ.

P.V: Lâu nay, người bệnh cứ ra hiệu thuốc kể triệu chứng mình gặp là được bán thuốc, trong khi quy định phải có đơn chỉ định của bác sĩ. Ông giải thích việc này như thế nào?

Ngại đến bệnh viện, đặt niềm tin vào người bán thuốc vì cho rằng họ có chuyên môn sâu, đi khám mất nhiều thời gian, mất thêm chi phí,…là tâm lý chung của nhiều người. Trong khi ở các nước phải có đơn của bác sĩ mới mua được thuốc kháng sinh thì ở Việt Nam, hầu hết người dân vẫn còn thờ ơ hoặc chưa hiểu nhiều về vấn đề này nên sử dụng kháng sinh bừa bãi. Cùng với đó, việc quản lý trong lĩnh vực dược nói chung và nhất là bán thuốc kháng sinh nói riêng ở nước ta còn có những hạn chế. Người dân khi có bệnh là đều có thể tự ra hiệu thuốc nói về triệu chứng bệnh hoặc đọc tên thuốc là mua được ngay. Thậm chí không ít người thấy bác sĩ chưa kê kháng sinh hoặc kê kháng sinh nội còn chủ động yêu cầu phải kê kháng sinh ngoại liều cao vì cho rằng uống kháng sinh sẽ nhanh khỏi bệnh.

P.V: Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, các dược sĩ ở quầy thuốc tự bán cho người bệnh khá phổ biến, trong đó có Thái Nguyên. Phải chăng điều này xuất phát từ sự thiếu kiểm soát của ngành Y tế, thưa ông?

Ở nước ta việc bán thuốc không có đơn thuốc còn phổ biến. Theo khảo sát, phần lớn kháng sinh được bán đều không có đơn, tỷ lệ này ở thành thị là 88% và 91% ở nông thôn. Hiện nay, Bộ Y tế đã có các văn bản quy định về bán thuốc kê đơn. Luật Dược năm 2005 cũng quy định bán lẻ thuốc mà không có đơn là 1 trong 13 hành vi nghiêm cấm và bị xử phạt từ 200-500 nghìn đồng, thế nhưng số lượng các cơ sở bán lẻ thuốc bị phạt rất ít.

Thực tế, số lượng cơ sở bán lẻ thuốc ngày càng nhiều. Riêng Thái Nguyên hiện có 1.217 cơ sở bán lẻ thuốc, gồm: 369 nhà thuốc, 686 quầy thuốc, các cơ sở thuốc đông y, thuốc dược liệu,… Trong khi nhân lực của cơ quan quản lý lại hạn chế. Lực lượng thanh tra của ngành chỉ vài người nhưng phải quản lý nhiều lĩnh vực, như: Thuốc, các bệnh viện, phòng khám, cơ sở khám chữa bệnh công lập, tư nhân… Hiện nay, tất cả các quầy thuốc tư nhân đều hoạt động như một doanh nghiệp nên khi muốn kiểm tra, thanh tra phải lên kế hoạch cụ thể. Lực lượng chức năng chỉ được thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát sinh dấu hiệu bất thường hoặc có đơn phản ảnh của người dân. Về vấn đề này, điều quan trọng là người dân cần tự nâng cao ý thức và sự hiểu biết trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, không nên tùy tiện dùng thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.

P.V: Theo kế hoạch của Bộ Y tế, đến cuối năm 2018, việc nối mạng hệ thống nhà thuốc sẽ triển khai đồng loạt trong cả nước để góp phần giám sát việc bán thuốc theo đơn, kiểm soát giá và chất lượng thuốc, đặc biệt là tình trạng mua bán thuốc kháng sinh. Vậy đến thời điểm này, Thái Nguyên đã thực hiện kế hoạch này như thế nào, thưa ông?

Bộ Y tế đã ban hành Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, giai đoạn 2017-2020” tại Quyết định số 4041/QĐ-BYT ngày 7/9/2017. Mục tiêu chung là nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là thực hiện quy định về kê đơn và bán thuốc kháng sinh kê đơn. Theo đó, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc phải thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng theo lộ trình. Từ ngày 1/1/2019, kết nối mạng tất cả các nhà thuốc; từ 1/1/2020, kết nối mạng các quầy thuốc và từ 1/1/2021, kết nối mạng tất cả các tủ thuốc trạm y tế.

Để đạt mục tiêu Đề án, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai trên địa bàn, giai đoạn 2018-2020 gồm: Giai đoạn 1 (năm 2018 - tháng 10/2019) thí điểm thực hiện trên địa bàn T.P Thái Nguyên; giai đoạn 2 (tháng 10/2019 - năm 2020) mở rộng tại các huyện, thành, thị còn lại. Đến nay, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch chi tiết và thực hiện thí điểm tại T.P Thái Nguyên được một số nội dung: Tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trước khi có can thiệp; tổ chức hội nghị triển khai đề án; tập huấn cho người kê đơn, người bán lẻ thuốc. Sở Y tế phối hợp với đơn vị cung cấp phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc (Viettel và VNPT) triển khai không thu phí 2 tháng (tháng 9, 10) phần mềm cho tất cả khoảng 400 điểm nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn T.P Thái Nguyên.

P.V: Ngoài triển khai Đề án nói trên, ngành Y tế Thái Nguyên còn có thêm những giải pháp gì để kiểm soát thuốc và chất lượng thuốc trong thời gian tới?

Sau 2 tháng thí điểm phần mềm quản lý, Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá việc sử dụng, kết nối mạng tại các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn T.P Thái Nguyên và chỉ đạo tất cả cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện áp dụng phần mềm, kết nối mạng theo lộ trình quy định. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình, Sở Thông tin - Truyền thông để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và người dân về sử dụng thuốc an toàn; tác hại và hậu quả của sử dụng thuốc kháng sinh không theo đơn, lợi ích khi khám bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, đơn vị sẽ đánh giá thực trạng hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn sau khi có can thiệp theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Xin cảm ơn ông!