Phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh

10:26, 13/10/2018

Trước đây, các loại cây dược liệu phát triển nhiều trên các diện tích rừng tự nhiên của các huyện trong tỉnh. Tuy nhiên, quá trình canh tác sản xuất, nhiều loại cây dược liệu đã bị khai thác một cách cạn kiệt và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhận thấy tầm quan trọng của nguồn cây dược liệu đối với sức khỏe con người, các địa phương: Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai…  đã quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng cây dược liệu.

Đại Từ là có 21 xã nằm dưới các triền núi Tam Đảo, núi Chúa, núi Hồng, điều kiện khí hậu mát mẻ nên cây dược liệu phát triển rất phong phú và đa dạng. Các loại cây dược liệu quý mọc tự nhiên trong rừng như Trà Hoa Vàng, Ba Kích, Sa Nhân, Xạ Đen, Khôi Nhung,…có giá trị kinh tế cao. Những năm qua, một số dự án, mô hình cây dược liệu đã được triển khai tại một số xã trên địa bàn huyện, như: Mô hình trồng cây Ba Kích dưới tán rừng (từ năm 2011 đến 2015) với diện tích 24,5 ha; mô hình cây Sa Nhân được trồng thí điểm năm 2011 với diện tích 3ha; Dự án trồng cây Đinh Lăng được triển khai năm 2016 với quy mô 1ha. Dự án trồng cây dược liệu tại xã Quân Chu do Công ty TNHH Tuấn Minh Spirit Thái Nguyên triển khai với quy mô 1,7ha. Ngoài ra, tại một số xã như Phú Lạc, An Khánh; mô hình trồng Nghệ (năm 2018) do Hợp tác xã Nông nghiệp Trung Na triển khai thực hiện với quy mô 20 ha; người dân trồng 3 ha các loại cây như Đinh Lăng, Xạ Đen, Kim Ngân… trên đất ruộng và đất vườn đồi.

Với Định Hóa, từ năm 2015, huyện đã xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí để phát triển cây quế, một loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Theo đồng chí Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện: Trong 3 năm qua, toàn huyện đã trồng được 1.862 ha quế với tổng kinh phí đầu tư từ các nguồn gần 8 tỷ đồng. Cùng với đó, địa phương cũng chú trọng triển khai một số mô hình trồng cây dược liệu như mô hình trồng cây Đinh Lăng ở xã Bảo Cường, Định Biên với quy mô  1,83ha; mô hình cây Ba Kích ở xã Lam Vỹ, quy mô 15 ha. Đặc biệt, Công ty TNHH Vĩ Hoa đã đã cấp 2 triệu cây quế giống cho người dân (trị giá trên 3 tỷ đồng cho vay không tính lãi) cho người dân Định Hóa. Đến khi thu hoạch các hộ dân sẽ trả bằng sản phẩm tương ứng với 850kg cành lá khô/ha cho Công ty. Công ty cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ngoài ra, một số hộ dân trên địa bàn huyện Định Hóa trồng tại vườn nhà một số loại cây như Xạ đen, Giảo Cổ Lam, Cà Gai leo, Ba Kích.  

Còn huyện Võ Nhai có khoảng trên 60ha với các loại cây trồng chủ yếu như: Đinh Lăng, Hà Thủ Ô, Sâm Cát, Cà gai leo, Trà Hoa Vàng, Ba Kích, Quế, Đàn Hương… Ngoài ra, còn một số loài dược liệu tự nhiên mọc rải rác ở các xã trên địa bàn huyện như Nhân Trần, Giảo Cổ Lam, Hương Nhu, Sinh Địa Hoàng, Khôi Tía.

Trên nền thế mạnh về  nguồn tài nguyên dược liệu, cộng đồng dân tộc đã tích lũy  được những kinh nghiệm truyền thống lâu đời trong sử dụng các loại cây con làm thuốc theo từng vùng miền, từng dân tộc. Ngành Y tế cũng đã tổng hợp được 233 vị thuốc y học cổ truyền tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập với khối lượng trung bình trong ba năm từ 2015-2017 gần 41 tấn dược liệu. Hội Đông y tỉnh năm 2017 sử dụng trên 300 tấn dược liệu, trong đó thu mua trên 177 tấn.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, các loài cây dược liệu trên địa bàn tỉnh chủ yếu phát triển tự nhiên, chưa được quy hoạch thành vùng, nguyên nhân cũng bởi thị trường tiêu thụ sản phẩm và nguồn kinh phí đầu tư thực hiện bảo tồn và phát triển cây dược liệu còn hạn chế. Đa số người dân chưa chú ý tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm từ cây dược liệu chưa cao. Số doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này chưa nhiều.

Tại Hội thảo phát triển cây dược liệu được tổ chức mới đây, đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thái Nguyên có lợi thế về khí hậu, đất đai cho phát triển cây dược liệu, các sở: Nông nghiệp, Y tế xây dựng kế hoạch, phát triển cây dược liệu trên địa bàn ưu tiên chọn ra một số loài cây dược liệu ở vùng sinh thái phù hợp, quy hoạch vùng sản xuất tập trung có đầu ra cho sản phẩm hàng hóa; đồng thời xây dựng cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã đầu tư vùng sản xuất tập trung nhằm liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nhân dân, nhà khoa học liên kết đầu tư vào lĩnh vực này.