Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Vẫn còn nhiều bất cập

13:40, 29/11/2018

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp vào công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy vậy, xung quanh hoạt động này vẫn còn không ít hạn chế.

Hơn 1 năm sau khi tốt nghiệp lớp cơ cấp nghề kỹ thuật chế biến món ăn, chị Nguyễn Thị Yên ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) vẫn chưa thể tìm được việc làm phù hợp. Chị chia sẻ: Sau khi được cấp chứng chỉ tôi đã đi xin việc nhiều nơi nhưng chỗ thì chỉ trả lương 2 triệu đồng/tháng, nơi thì không nhận người có trình độ sơ cấp. Không xin được việc, tôi đành trở về làm ruộng để trang trải kinh tế gia đình.

Ông Hà Huy Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Đồng Hỷ thẳng thắn: Lao động được đào tạo sơ cấp 3 tháng chỉ biết nghề chứ chưa thể hành nghề thành thạo để vào làm ngay trong các công ty, doanh nghiệp. Trong số 140 học viên tham gia học nghề kỹ thuật chế biến món ăn, tới nay mới chỉ có 1 người tìm được việc làm nhà hàng địa phương, còn lại phải đi làm các công việc khác. Mặc dù trung tâm đã tìm cách giới thiệu học viên đến làm việc tại các nhà hàng nhưng với mức lương phụ việc chỉ 2-2,5 triệu đồng/tháng, không mấy người mặn mà.

Trên thực tế, chất lượng giải quyết việc làm cho LĐNT sau học nghề lâu nay vẫn là bài toán khó. Bà Lộc Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Do đặc thù địa phương nên các lớp đào tạo nghề ở huyện chủ yếu là nghề nông nghiệp. Vì vậy, tuy lao động học nghề xong đều có việc làm nhưng chủ yếu là tự tạo việc làm tại gia đình, việc giới thiệu lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp gần như không có. Số lượng mô hình nông nghiệp gia tăng hiệu quả kinh tế cao sau học nghề vẫn còn rất hạn chế.

Theo số liệu thống kê của ngành Lao động, giai đoạn 2015-2017, có trên 10.000 LĐNT được đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng theo Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” (Đề án 1956) sau khi được đào tạo nghề có việc làm (chiếm 79,3%). Phần lớn những người chưa có việc làm là học nghề nông nghiệp, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu đất hoặc không có vốn đầu tư sản xuất. Ngược lại, trong số trên 10.000 lao động có việc làm, có đến 47% là việc làm tự tạo. Số lượng học viên có thể tìm được việc làm tại các doanh nghiệp còn tương đối hạn chế.

Toàn tỉnh hiện có 61 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với quy mô đào tạo trên 78.600 người/năm. Trong khi đó, trong  giai đoạn 2015-2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ đào tạo được trên 104.000 học viên ở cả trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên.  Chỉ tính riêng các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, toàn tỉnh hiện có 14 trung tâm với quy mô đào tạo 12.770 người/năm. Những trung tâm này là đơn vị chủ chốt tham gia việc đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956. Trong khi đó, giai đoạn 2015-2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng cho 12.709 LĐNT, nông dân theo Đề án 1956. Nếu tính toán dựa trên con số 132 giáo viên, người dạy nghề tại 14 trung tâm này, trung bình mỗi năm, 1 giáo viên, người dạy nghề đào tạo được 32 học viên (trình độ đến sơ cấp).

Trong khi đó, trong giai đoạn này, tổng kinh phí chi cho hoạt động dạy nghề cho LĐNT, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh (hoàn toàn từ nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương và hỗ trợ của Nhà nước khác) là trên 24,7 tỷ đồng. Dĩ nhiên nguồn kinh phí này cũng được chi cho cả các nhánh đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp và các chi phí khác nhưng thực tế cho thấy, số lượng LĐNT được đào tạo vẫn còn thấp.

Cùng với đó, hiện nay, việc đào tạo nghề nông nghiệp hiện nay chủ yếu là bồi dưỡng, tập huấn thêm về kỹ thuật. Các chương trình đào tạo nông nghiệp công nghệ cao, mô hình mới ít xuất hiện nên không nhiều người mặn mà với các lớp dạy nghề. Vì vậy, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phải thuê xe chở máy móc về tận xóm, xã để người dân có điều kiện tham gia.

Với các nghề phi nông nghiệp, người lao động sau khi đào tạo cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Trang thiết bị dạy nghề của hầu hết các cơ sở đào tạo hiện nay không theo kịp công nghệ sản xuất thực tế cũng như nhu cầu học nghề của người lao động. Thậm chí ở một số nơi như huyện Định Hóa, một số thiết bị phục vụ đào tạo nghề điện tử từ khi nhận về đến nay chưa được sử dụng, hệ thống máy tính phục vụ đào tạo nghề tin học phần lớn đã hỏng hóc. Bên cạnh đó, do thời gian đào tạo ngắn nên người lao động thiếu về tác phong công nghiệp. Vì vậy, trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động tại Thái Nguyên đang rất lớn thì những LĐNT học nghề lại không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Không thể phủ nhận những hiệu quả thiết thực mà công tác đào tạo nghề cho LĐNT mang đến. Tuy vậy, theo số liệu thống kê năm 2017 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh mới chỉ đạt 62,78%. Vì vậy, công tác đào tạo nghề cho LĐTN vẫn là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Để công tác này thực sự mang lại hiệu quả về cả chất và lượng vẫn cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành.