Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã được các cấp, ngành trong tỉnh tích cực triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Tuy vậy, để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình vẫn cần sự vào cuộc của toàn xã hội nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác này.
Đến nay, hầu hết người dân xóm Gò, xã Tiên Hội (Đại Từ) đều thuộc lòng những vở kịch do Câu lạc bộ (CLB) phòng, chống BLGĐ trên cơ sở giới biểu diễn như: Bố đã sai rồi; Hạnh phúc gia đình; Anh xin lỗi… Được biết, năm 2013, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chọn xóm Gò để xây dựng mô hình điểm CLB phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với 30 thành viên, toàn bộ là nữ giới. Để tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, CLB thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ với các tiết mục mang tính giáo dục về bình đẳng giới, BLGĐ. Với nhiều hoạt động thiết thực, đến nay, số hội viên trong CLB đã tăng lên 50 người, trong đó có 15 nam giới. Ông Tô Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiên Hội thông tin: Từ mô hình tại xóm Gò, chúng tôi đã nhân rộng ra 16/16 xóm trên địa bàn. Nhờ sự vào cuộc tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, hiện nay, ở xã rất ít khi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Các mâu thuẫn đều được giải quyết ở cơ sở. Người dân đã ý thức được về nhiều hình thức bạo lực khác như bạo lực thân thể, tinh thần, kinh tế…
Hiệu quả tích cực là vậy nhưng đến nay, CLB phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở xóm Gò chỉ là mô hình hiếm hoi còn hoạt động thường xuyên. Hầu hết các xóm trên địa bàn tỉnh đều có mô hình phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, chủ yếu vẫn là tuyên truyền lồng ghép với những nội dung đơn giản, kém sinh động. Vì vậy, BLGĐ vẫn tái diễn ở nhiều địa phương.
Theo thống kê, trong 10 năm (2008-2018), toàn tỉnh xảy ra 3.870 vụ bạo lực gia đình. Nạn nhân của các vụ BLGĐ phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Đây chủ yếu là các vụ việc gây bức xúc, có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và lực lượng công an, còn những vụ việc nhỏ rất khó kiểm soát. Thực tế cho thấy, tình trạng mâu thuẫn dẫn đến xô xát ở một số gia đình vẫn xảy ra khá thường xuyên nhưng chưa được thống kê hết. Thêm vào đó, hiện nay, việc triển khai các mô hình phòng, chống BLGĐ ở cấp cơ sở còn thiếu nguồn lực, kinh phí khó khăn nên việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chương trình hành động còn hạn chế. Qua triển khai các mô hình cho thấy, khi nào có kinh phí người dân rất tích cực tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn nhưng đến khi hết kinh phí, các hoạt động cũng theo đó mà thưa dần. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và tâm lý của người dân dẫn đến việc thiếu hợp tác trong lên tiếng về tình trạng BLGĐ.
Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều phương án, kế hoạch nhằm giảm thiểu, hạn chế bạo lực gia đình. Năm 2018, Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, triển khai các văn bản pháp luật về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ... đến hội viên. Tổ chức Công đoàn các cấp truyên truyền về chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… cho hơn 100.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tại xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang triển khai mô hình điểm “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” giai đoạn 2017 - 2020...
Tuy vậy, để công tác phòng, chống bạo lực gia đình thực sự đạt hiệu quả, cần huy động được sự vào cuộc người dân trong việc hợp tác, đồng hành với các cơ quan, ban ngành, kịp thời phát hiện và “xoa dịu” bạo lực từ những mầm mống bất hòa. Đồng thời, cần tích cực triển khai các giải pháp trong công tác bình đẳng giới để nâng cao nhận thức của toàn dân về giới, từ đó góp phần tích cực phòng, chống BLGĐ.