Đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

11:14, 26/12/2018

Thời gian qua, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được triển khai hiệu quả trong toàn tỉnh. Qua đó, góp phần tích cực giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM).

Bà Lê Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ thông tin: Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí số 12 đặt ra yêu cầu tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt từ 90% trở lên. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thực tiễn nhân lực, sản xuất ở từng địa phương. Trong đó, tích cực tập trung vào các xã điểm phấn đấu về đích NTM trong năm (năm 2018 là 2 xã Nam Hòa và Văn Hán).

Nói về điều này, ông Lâm Thanh Vạn, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho hay: Xã có đến gần 90% số hộ có nguồn thu nhập từ chè. Qua khảo sát nhu cầu của người dân, mỗi năm, chúng tôi đã phối hợp mở 4-5 lớp dạy nghề trồng, chế biến chè xanh, chè đen theo công nghệ hiện đại ngay tại xã. Theo kết quả khảo sát, 100% học viên sau học nghề đều có việc làm với thu nhập tăng từ 30-50% so với trước. Từ đó, đóng góp thiết thực vào công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập tại địa phương. Đến hết năm 2018, toàn xã còn khoảng 9% hộ nghèo, thu nhập bình quân tăng lên trên 15 triệu đồng/người/tháng. Theo kết quả tự đánh giá, xã đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM.

Không chỉ ở Đồng Hỷ, các địa phương khác trong tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác đào tạo nghề. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về lao động việc làm, đào tạo nghề, chính sách của các doanh nghiệp đối với lao động đã qua đào tạo…

Đồng thời, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã mở rộng quy mô đào tạo theo hướng đa ngành, đa nghề và sát với thực tiễn xã hội. Chuyển dạy nghề từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động và xã hội, gắn đào tạo nghề với nhu cầu thị trường và người lao động. Nhiều nghề phi nông nghiệp như: điện tử, điện lạnh, may công nghiệp… và các nghề phi nông nghiệp gắn với thế mạnh địa phương như: trồng, chế biến chè, trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn… đã được tăng cường. Đồng thời, tích cực triển khai các giải pháp giới thiệu việc làm. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo bền vững và hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM về lao động, việc làm.

Ông Trần Đức Minh, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Huyện Phú Bình chia sẻ: Năm 2018, huyện Phú Bình có 4 xã đăng ký về đích NTM là Dương Thành, Đào Xá, Kha Sơn và Tân Khánh. Đến nay, các xã này đều đã hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM về lao động, việc làm. Trong đó, tỷ lệ người có việc làm đạt từ 92-95%, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đều đạt trên 25%.

Ông Mông Chí Dũng, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho hay: Để thu hút lao động tham gia học nghề, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ về sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân như thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, gắn đào tạo nghề với tạo việc làm mới cho người lao động và chương trình xây dựng NTM ở các địa phương.

Trong năm 2018, kết quả tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh đạt trên 44.100 học viên, vượt 26% kế hoạch. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng là trên 4.900 học viên; trung cấp đạt trên 14.000 học viên. Đối với đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động nông thôn là trên 25.200 học viên, bao gồm cả đào tạo nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh từ khoảng 62% (năm 2017) lên 65,18%.

Mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo là 70%. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng giai đoạn cụ thể, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lao động của địa phương, gắn đào tạo nghề với công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Cơ cấu ngành nghề đào tạo sẽ giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo trong các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, thương mại, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động và các ngành nghề nông thôn, đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM trên địa bàn.