Những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán luôn được dự báo là thời điểm tình hình giá cả trên thị trường có nhiều biến động do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Kéo theo đó là các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, mặt hàng nào bán chạy thì trên thị trường thường hay xuất hiện hàng giả. Đa số hàng giả được sản xuất hết sức tinh vi. Có khi hàng giả được sản xuất và đóng gói ở nước ngoài, sau đó nhập lậu vào Việt Nam, hợp thức hóa hoặc trà trộn với hàng thật để tiêu thụ, gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, bắt giữ, xử lý. Hàng giả đã trở thành mối quan tâm lo lắng rất lớn của người tiêu dùng, đặc biệt khi nó lại là thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
Cùng với cả nước, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh luôn chú trọng và chỉ đạo mở các đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau dịp Tết. Lực lượng chức năng luôn chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng để có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, đồng thời có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, dự trữ hàng hóa; tổ chức cho các đội nghiệp vụ tăng cường trinh sát, nắm bắt địa bàn, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2017 và 9 tháng năm 2018, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện gần 35 nghìn vụ vi phạm, xử phạt hơn 121 tỷ đồng, với giá trị hàng vi phạm hơn 907 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh, trong 8 tháng năm 2018, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 3.566 trường hợp (bằng 85% so với cùng kỳ), xử lý 3.213 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế, trị giá hàng bán, tiêu hủy là hơn 33,8 tỷ đồng. Mặc dù tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu trên các tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh và trên thị trường đã giảm về số vụ vi phạm nhưng vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi như: Lợi dụng cơ chế chính sách đối với dân cư biên giới, chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu chưa được quản lý chặt chẽ... để vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm lưu thông hoặc đưa vào tiêu thụ tại tỉnh gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, những số liệu này được đánh giá là chưa phản ánh hết thực tế bởi hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Nguyên nhân do nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị còn lơ là trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm, chưa thực sự quyết liệt thực hiện các quy định, giải pháp đã đề ra. Thực tế trên thị trường trong nước hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn đang là vấn nạn đe dọa nền kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng. Mặc dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, nhưng hoạt động sản xuất, vận chuyển và buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn chưa thực sự được đẩy lùi, thậm chí còn diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây bức xúc cho dư luận xã hội.
Trong điều kiện kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, dự báo nạn hàng giả, hàng nhái sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tinh vi, mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Người dân mong muốn lực lượng chức năng nỗ lực hơn nữa trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay từ tuyến biên giới để ngăn chặn xâm nhập vào thị trường nội địa. Mặt khác, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần theo dõi sát thị trường tiêu thụ hàng hóa của mình, chủ động tố giác các vi phạm, coi quyền sở hữu trí tuệ là giá trị nhãn hiệu hàng hóa, là tài sản vô hình rất cần thiết phải bảo vệ. Người tiêu dùng hãy bỏ ngay suy nghĩ coi công tác chống hàng giả, hàng nhái chỉ là của cơ quan chức năng, đồng thời hãy chủ động cập nhật thêm kiến thức cho bản thân thông qua các kênh thông tin để có cách tiêu dùng thông thái, tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.
Với các giải pháp đồng bộ, chắc chắn trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái sẽ từng buốc được đẩy lùi.
Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lấy ngày 29-11 hằng năm làm “Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái”, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội về chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu Việt Nam.