Tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ, kinh nghiệm sản xuất lâu năm và không ngừng học hỏi kiến thức mới, nhiều hộ dân ở xã Dương Thành (Phú Bình) đã tích cực chuyển đổi sang sản xuất rau an toàn.
Ông Nguyễn Văn Cung, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Dương Thành vốn có truyền thống và kinh nghiệm trồng rau màu lâu năm. Những năm gần đây, bà con đã phát triển một số loại rau màu là cây trồng chủ lực của địa phương, như: ớt, dưa chuột, bắp cải… Từ năm 2017, nhiều hộ dân trong xã đã chuyển đổi sang trồng rau an toàn mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao. Xã đã có một mô hình hợp tác xã (HTX) trồng rau an toàn.
HTX Rau, củ, quả an toàn Dương Thành được thành lập vào năm 2017 với 7 hộ dân đều thuộc xóm Nguộn. Nói về ý tưởng thành lập HTX, ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTX chia sẻ: Nhiều năm làm nông nghiệp, tôi luôn mong muốn xây dựng một thương hiệu nông sản an toàn để cung cấp đến người tiêu dùng. Không ngờ khi chia sẻ nguyện vọng này với một số hộ khác trong xóm, họ cũng ấp ủ suy nghĩ tương tự. Từ đó, chúng tôi bàn với nhau cùng tìm hiểu thông tin, quy trình sản xuất rau, củ, quả an toàn để phát triển HTX.
Chị Đặng Thị Hồng, thành viên HTX bộc bạch: Các yếu tố đất, nguồn nước, giống cây trồng… đều được đảm bảo ngay từ ban đầu. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trước khi đưa vào sử dụng chúng tôi đều tìm hiểu kỹ thông tin, ưu tiên lựa chọn những chủng vi sinh vật để đảm bảo yếu tố an toàn cho sản phẩm đầu ra. Khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mỗi hộ đều có sổ theo dõi loại thuốc, thời gian cách ly với từng loại cây và được ghi chép tỉ mỉ hàng ngày. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp được ủ hoai mục bón cho cây.
Hiện nay, sản phẩm rau, củ, quả an toàn của HTX đã lên đến trên 20 loại. Sản phẩm thu hoạch đều có mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng với giá bán tùy thời điểm, cao hơn khoảng 20-50% so với các loại rau, củ, quả canh tác theo phương thức trước đây. Không chỉ vậy, sự thành công trong hoạt động của HTX Rau, củ, quả Dương Thành còn tác động đến cách nghĩ của các hộ khác ở địa phương. Nhiều hộ dân trong xóm đã dần chuyển đổi sang sản xuất theo hướng an toàn. Một số hộ đã đầu tư nhà lưới, nhà kính để trồng rau trái mùa, giảm trừ sâu bệnh trong quá trình sản xuất.
Nói về điều này, anh Nguyễn Tiến Tranh, người dân xóm Nguộn cho hay: Tôi đã bỏ nhiều thời gian quan sát mô hình sản xuất của các hộ dân trong HTX Rau, củ, quả an toàn Dương Thành từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch và bảo quản. Tôi nhận thấy đây là mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của gia đình cũng như yêu cầu của thị trường nên đã học hỏi quy trình trồng rau an toàn và áp dụng với 8 sào rau của gia đình.Trong xóm hiện có gần 20 hộ khác cũng trồng rau theo quy trình sản xuất an toàn.
Còn chị Đào Thị Phương, ở xóm Núi 1 chia sẻ: Từ gần 1 năm nay, tôi đã hình thành thói quen ghi sổ theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng. Căn cứ vào sổ theo dõi, mỗi loại cây khi đủ thời gian cách ly thì mới thu hoạch. Tôi mong muốn xóm hoặc xã xây dựng được một mô hình liên kết sản xuất rau an toàn để chúng tôi có thể hợp tác sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Nếu sản phẩm rau của chúng tôi được chứng nhận, khâu tìm kiếm đầu ra sẽ dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Văn Cung, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Thành cho biết thêm: Hiện nay, tuy ở xã đã có nhiều hộ sản xuất rau an toàn nhưng mới chỉ có 7 hộ thuộc HTX Rau, củ, quả an toàn Dương Thành có đăng ký nhãn hiệu, được công nhận tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian tới, chúng tôi đang xây dựng phương án quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn rộng khoảng 2ha tại xóm Nguộn. Xã cũng đã phối hợp mở các lớp dạy nghề, tập huấn về sản xuất rau an toàn đến người dân. Đồng thời, tìm cách hỗ trợ người dân tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng các mô hình, tổ hợp tác để có đủ tiêu chuẩn xin cấp giấy chứng nhận VietGAP. Từ đó, nhằm thay đổi quy trình sản xuất rau an toàn cho người dân theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.