Việc triển khai chủ trương sáp nhập các xóm, tổ dân phố không đạt tiêu chuẩn về số hộ trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong quá trình triển khai tại một số địa phương cơ bản gặp thuận lợi và được sự đồng thuận của nhân dân, nhưng cũng có nơi gặp khó khăn do điều kiện đặc thù. Từ thực tế tại huyện vùng cao Võ Nhai càng cho thấy rõ vấn đề này.
Bình Long là xã có diện tích nhỏ (31km2) so với nhiều xã khác của huyện Võ Nhai, nhưng có tới 20 xóm với 1.478 hộ, 6.220 nhân khẩu. Trong đó không có xóm nào đủ 200 hộ dân theo quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố. Xã có 4 xóm có trên 100 hộ, xóm ít nhất chỉ có 38 hộ. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện và ngành Nội vụ, căn cứ vào thực tế, xã đã xây dựng Đề án sáp nhập 12 xóm thành 6 xóm, nhưng cả 6 xóm này sau khi sáp nhập cũng vẫn không đủ 200 hộ dân/xóm (nhiều nhất là 119 hộ nếu cộng cơ học ở thời điểm hiện tại). Trong số 8 xóm còn lại mà xã không dự kiến sáp nhập, xóm An Long chỉ có 70 hộ, xóm Phố có 77 hộ.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Côn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc sắp xếp, sáp nhập các xóm để đạt tiêu chí về số hộ đối với xã vùng cao, địa bàn phức tạp và bị chia cắt nhiều như Bình Long là “bài toán” khó. Do bà con thường sống rải rác, đường sá không thuận lợi, có xóm lại ở biệt lập cách xa trung tâm xóm gần nhất nên việc sáp nhập sẽ không phù hợp, gây khó khăn cho người dân và vất vả cho đội ngũ cán bộ xóm. Ngoài ra, có những xóm rất ít hộ cần nhập với xóm liền kề nhưng hai xóm lại có đa số người là những dân tộc khác nhau, cộng đồng dân cư đã hình thành lâu đời, phong tục tập quán có nhiều điểm không tương đồng nên việc nhập xóm cũng cần phải cân nhắc (điển hình là trường hợp xóm Đồng Bứa và xóm Chùa).
Lường trước những khó khăn, vướng mắc phát sinh nên dù đã xây dựng Đề án sáp nhập 12 xóm thành 6 nhưng xã Bình Long mới đang triển khai “thí điểm” sáp nhập xóm Chợ và xóm Cây Trôi để rút kinh nghiệm. Hai xóm này vốn là một (được chia tách từ năm 1993), ở gần nhau và là khu vực trung tâm xã nên có nhiều thuận lợi hơn những trường hợp khác. Sau khi lập Đề án, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo tích cực tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Việc lấy ý kiến người dân của xóm Cây Trôi diễn ra thuận lợi (100% người dân dự họp đồng ý nhập xóm), nhưng tại xóm Chợ trong lần đầu lấy ý kiến chỉ có 43% cử tri đồng ý.
Nguyên nhân chính là do người dân xóm Chợ đã đối ứng 3 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà văn hóa mới và muốn người dân xóm Cây Trôi phải đóng góp để chia đều trách nhiệm (xóm Cây Trôi hiện chưa có nhà văn hóa), trong khi vấn đề này lại chưa được bàn bạc, thống nhất kỹ trước khi đưa ra họp dân. Vì vậy, lãnh đạo xã đã phải họp với đội ngũ cán bộ của hai xóm để thống nhất phương án, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho người dân. Và cuối cùng, đến lần lấy ý kiến thứ 3 (ngày 28-11 vừa qua), đa số cử tri của xóm Chợ mới đồng ý sáp nhập.
Thực trạng ở xã Bình Long cũng là vấn đề chung đối với đa số các xã thuộc huyện Võ Nhai trong việc triển khai chủ trương sắp xếp, sáp nhập các xóm, tổ dân phố không đạt tiêu chuẩn về số hộ. Nhất là tại 6 xã phía Bắc huyện, nơi có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, nhiều xóm đồng bào dân tộc thiểu số sống khá biệt lập, giao thông còn nhiều khó khăn. Toàn huyện Võ Nhai có 174 xóm, tổ dân phố nhưng hiện chỉ có 10 xóm đạt từ 200 hộ dân trở lên, rất nhiều xóm chỉ có vài chục hộ (ít nhất là xóm Khuổi Uốn, xã Sảng Mộc, 22 hộ). Không ít xóm như trường hợp xóm Lũng Cà 35 hộ, Lũng Hoài 43 hộ (đều là xóm đồng bào dân tộc Mông thuộc xã Thượng Nung) rất khó sáp nhập vì đều ở biệt lập cách xa các xóm khác. Các xã: Vũ Chấn, Thần Sa, Sảng Mộc, Phương Giao, Liên Minh… cũng có những trường hợp tương tự.
Mặc dù vậy, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của Huyện ủy, UBND huyện, đến nay hầu hết các xã, thị trấn của huyện Võ Nhai đã tuyên truyền đến nhân dân và xây dựng được đề án, dự kiến phương án sắp xếp, sáp nhập các xóm, tổ dân phố. Theo đó, dự kiến toàn huyện sẽ giảm được 24 xóm (không kể một số xã chưa xây dựng đề án, phương án dự kiến). Đến nay, huyện Võ Nhai đã hoàn thiện các bước để đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định sáp nhập 2 xóm thuộc xã Phương Giao và 4 xóm thuộc xã Tràng Xá. Các địa phương còn lại chủ yếu đăng ký tiến hành sáp nhập các xóm vào nhiệm kỳ sau.
Việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập các xóm, tổ dân phố có quy mô nhỏ là cần thiết và phải “khẩn trương, cương quyết” theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Thực tế triển khai tại huyện Võ Nhai phần nào cho thấy các cấp, ngành đã và đang quan tâm, tích cực nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn và cả lúng túng. Vấn đề này có ảnh hưởng trực tiếp và cần sự đồng ý của người dân nên công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận là rất cần thiết. Thiết nghĩ, việc triển khai chủ trương này cần khẩn trương nhưng không thể vội vàng mà cần thận trọng, cân nhắc, linh hoạt và tránh lắp ghép cơ học; cần hướng dẫn cụ thể hơn. Đồng thời, cần tính đến việc bố trí, xây dựng thiết chế văn hóa (nhất là nhà văn hóa xóm) trước và sau khi sáp nhập để tránh lãng phí…
Thông tư số 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ có quy định trường hợp đặc thù nhưng nếu các địa phương vin vào yếu tố “đặc thù” để không sắp xếp, sáp nhập các xóm, tổ dân phố sẽ không đảm bảo thực hiện tốt chủ trương này.
Toàn tỉnh hiện có 3.032 xóm, tổ dân phố. Trong đó có 2.942 xóm, tổ dân phố (chiếm tỷ lệ 97%) chưa đủ tiêu chuẩn về số hộ theo quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ.