Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Để tạo không khí ấm cúng, giúp những người đang thi hành án, bị tạm giam, tạm giữ vơi bớt nỗi nhớ nhà khi Tết đến, Xuân về, Trại tạm giam Công an tỉnh đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, dọn dẹp vệ sinh, trang trí; chuẩn bị chu đáo nơi đón tiếp thân nhân can, phạm nhân đến thăm; tổ chức khám bệnh, chuẩn bị thuốc cho toàn bộ can, phạm nhân trong trại. Đặc biệt, nhằm đảm bảo chế độ quy định của Nhà nước trong các ngày Tết (từ 29 đến mồng 3 Tết), đơn vị chủ động lo cho 100% can, phạm nhân được hưởng chế độ ăn uống gấp 5 lần ngày thường với đủ các món ăn dân tộc, truyền thống từ bánh trưng, giò chả, măng, miến, dưa hành, kẹo bánh…
Thượng tá Đặng Kiên Cường, Giám thị Trại tạm giam cho biết: Thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh về việc mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tập thể cấp ủy, lãnh đạo đơn vị đã họp, bàn, thống nhất xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an toàn Trại trong dịp Tết. Chúng tôi chỉ đạo các đội công tác triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đảm bảo nắm chắc tình hình diễn biến của người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân trong các buồng giam, đội phạm nhân lao động, chủ động phòng ngừa các yếu tố đột xuất, bất ngờ, phòng, chống cháy nổ... Nếu những đơn vị khác trong Công an tỉnh trực 50% quân số thì ở Trại tạm giam trong những ngày Tết, Trại phải bố trí tới 2/3 lực lượng cán bộ, chiến sĩ trực, với tinh thần bảo đảm an toàn cho can, phạm nhân vui xuân. Cũng như mọi năm, Trại tổ chức cho can, phạm nhân được tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ để qua đó giúp can, phạm nhân yên tâm về tư tưởng, chấp hành cải tạo tốt để sớm hoàn lương, trở về với cuộc sống ngoài xã hội.
Qua câu chuyện của Thượng tá Cường chúng tôi còn được biết: Để tổ chức cho gần 600 can, phạm nhân, trong đó có gần 20 phạm nhân tử tù đón Tết thật chẳng dễ chút nào, bởi trong không khí xuân thường gợi ở can, phạm nhân nỗi nhớ quê hương, bố mẹ, vợ, con. Vì thế, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phải căng hết mình lên để làm việc. Do đặc thù vừa là nơi giam giữ những phạm nhân đã thành án, nơi tạm giữ những can phạm chờ ngày ra tòa nên công tác quản lý, giáo dục gặp nhiều khó khăn riêng. Công tác quản lý số người tạm giữ, tạm giam rất phức tạp, đặc biệt là số người tạm giữ mới vào trại, đa số phạm tội về ma túy, nghiện, ngáo đá, nhiều trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS thân hình lở loét, mắc nhiều bệnh truyền nhiễm nên khi vào rất hay “vật thuốc”, hoang mang, hay có tâm lý tự thương, tự sát, không chấp hành nội quy, quy định của trại.
Ở những buồng tạm giữ đó, Ban Giám thị cũng như các đội thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn cho công tác tạm giữ, tạm giam. Đơn vị huy động tối đa lực lượng thường trực, ứng trực thường xuyên. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý buồng giam, quan tâm nắm bắt tâm lý, tư tưởng của can, phạm nhân, không để bất cứ trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. Đồng thời xây dựng kế hoạch rà soát can, phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ. Trại đã xây dựng được quỹ tình thương, hằng ngày mỗi cán bộ, chiến sỹ tiết kiệm từ 2 đến 5 nghìn đồng ủng hộ quỹ để mua các đồ dùng, thực phẩm cho các can, phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (những trường hợp bị bệnh xã hội, gia đình hoàn cảnh khó khăn, ở xa, hoặc không còn ai thân thích thăm nuôi).
Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân, Đội trưởng Đội quản giáo tâm sự: Nửa tháng trước Tết, hàng ngày có rất nhiều thân nhân đến Trại thăm nuôi can, phạm nhân. Vì sự an toàn cho những người đang chấp hành án, cán bộ, chiến sĩ ở các bộ phận liên quan phải làm việc từ sáng tới khuya mới được nghỉ, tập trung vào việc kiểm tra đồ đạc do người nhà can, phạm nhân gửi vào.
Gần 20 năm vào ngành, cũng gần như ngần ấy năm Tết nào Thiếu tá Xuân cũng trực đợt 1 và đón giao thừa ở đơn vị. Anh bảo: Đặc thù công việc của mình nó thế, có năm cả hai vợ chồng cùng trực đêm 30, mình cũng chỉ tranh thủ về nhà thắp hương lên bàn thờ gia tiên rồi lại lên Trại cùng cán bộ, chiến sĩ lo cho can, phạm nhân ăn Tết… Đôi khi cũng hơi chạnh buồn, vì việc sắm tết đều đặt lên vai vợ, đến giờ khắc chuyển sang năm mới không ở bên vợ, con. Giờ khắc đón giao thừa cũng là lúc những can, phạm nhân nhớ nhà nhất, họ gào khóc, chúng tôi vừa an ủi, động viên vừa trêu đùa “tôi khác gì các anh, giờ cũng đang ở Trại”… thế là anh em lại cười xòa.
Đại úy Nông Văn Kiều, Quản giáo Đội phân trại chia sẻ thêm: Tôi vào nghề được 18 năm thì có 2 năm được đón giao thừa với vợ con. Con tôi cháu lớn lên 8, cháu bé 4 tuổi đều đã “quen” với việc ngày Tết bố bận công tác. Với đặc thù phân trại của tôi phải đảm bảo lương thực, thực phẩm cho can, phạm nhân theo tiêu chuẩn của Nhà nước nên gần như năm nào tôi cũng trực đợt 1, đến chiều mùng 1 Tết mới được về nhà. Trước Tết khoảng 2 tuần, vợ chồng tôi chọn vào ngày nghỉ để đưa con về thăm ông bà nội, ngoại. Ngày mới cưới vợ tôi cũng hay giận dỗi khi chồng phải đi trực vào những ngày Tết, nhưng khi trực tiếp lên thăm đơn vị thì cô ấy càng hiểu thêm đặc thù công việc và cảm thông, chia sẻ với tôi nhiều hơn.
Hầu hết các cán bộ, chiến sĩ công tác ở Trại tạm giam đều có nhà ở trong tỉnh. Nhưng do yêu cầu công việc họ luôn động viên nhau, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: Thực hiện nhiệm vụ giáo dục, cảm hoá những con người lầm lỡ, giúp họ nhận thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, để tập trung cải tạo thật tốt, được sớm trở lại là người tự do.
Phạm nhân Trần Văn Anh, sinh năm 1982 ở xã Ký Phú, Đại Từ, án sử dụng mạng máy tính chiếm đoạt tài sản, chấp hành án 3 năm tù cho biết: Người như chúng em tưởng không ai quan tâm, để ý, song vào trại, nhất là ngày lễ, tết luôn được cán bộ động viên, chăm lo. Tết, chúng em được các “thầy” cho gói bánh chưng, làm giò, chả, trang trí đón Tết… như ngoài đời thường. Đêm giao thừa, giám thị và các quản giáo đi từng phòng chúc Tết, tặng quà cho các can, phạm nhân. Từ sự động viên, giúp đỡ của các cán bộ, bản thân em đã nhận ra những lỗi lầm, cố gắng phấn đấu cải tạo tốt để sớm về đoàn tụ với gia đình.
Thêm một mùa xuân nữa những cán bộ, chiến sĩ công tác ở Trại tạm giam Công an tỉnh phải gác hạnh phúc riêng để chăm lo Tết cho những cuộc đời lầm lỡ. Sự hy sinh thần lặng của các cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam đã thức tỉnh nhiều mảnh đời lầm lỗi, như những hạt mưa xuân khiến cho mầm thiện được đâm chồi, nảy lộc.