Để gia đình không có bạo lực

11:38, 10/01/2019

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) là một trong những nhiệm vụ được các ngành, cấp của tỉnh quan tâm. Bà Hà Mai Hiên, Phó phòng Xây dựng đời sống văn hoá và gia đình, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cho biết: Kết quả triển khai, thực hiện nhiệm vụ này góp phần làm nên thành công trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thường, tình trạng BLGĐ về tinh thần, thân thể, tình dục và kinh tế ở cộng đồng dân cư còn xảy ra.

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Trong giai đoạn 10 năm (2008-2018), trên toàn tỉnh đã xảy ra 3.870 vụ BLGĐ, trong đó 1.504 vụ về thân thể; 1.725 vụ về tinh thần; 450 vụ về kinh tế và 191 vụ về tình dục… BLGĐ giống như ngọn lửa rơm, chờ lúc có cơ hội là bùng phát, vì thế tình trạng BLGĐ hằng năm tăng, giảm không theo quy luật nào. Ví như năm 2008, toàn tỉnh xảy ra 413 vụ; năm 2010, xảy ra 431 vụ; năm 2015, xảy ra 237 vụ; năm 2018, xảy ra 155 vụ.

Nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người yếu thế trong gia đình (sống phụ thuộc). Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Nguyên nhân của bạo lực gia đình do người gây ra bạo lực và người bị bạo lực thiếu kỹ năng ứng xử trong một số tình huống hằng ngày, như việc đối xử chưa công bằng giữa 2 bên gia đình nội, ngoại; việc ứng xử giữa vợ và chồng; giữa cha, mẹ với con cái chưa đúng mực dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng quan điểm.

Một nguyên nhân quan trọng là do ở một số địa phương, việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống BLGĐ, nhất là áp dụng biện pháp xử phạt hành chính khi xảy ra bạo lực còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn hơn nữa là do nhận thức của một bộ phận cán bộ chính quyền, đoàn thể ở cơ sở và cộng đồng làng, xóm, tổ dân phố trong việc phòng, chống, ngăn chặn bạo lực gia đình rất hạn chế, dẫn đến không làm hết trách nhiệm. Nhiều xã, phường, thị trấn còn cho đó là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi hành động bạo lực đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Điển hình về BLGĐ như ở T.P Sông Công, ông Ngô Văn Mới, xóm Phú Sơn, xã Bình Sơn, có hành vi giao cấu với con gái 13 tuổi; ông Đồng Văn Dũng, tổ dân phố 1, phường Phố Cò, bóp cổ em vợ rồi ném xuống giếng. Chưa thỏa mãn, Dũng tiếp tục dùng dao chém vào đầu vợ và con gái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của nạn nhân... Đáng tiếc là chính bản thân các nạn nhân trong vụ việc lại bao che cho người có hành vi bạo lực.

Để hạn chế tình trạng nêu trên, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh (BCĐ) đã giao các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì, phối hợp tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Trong giai đoạn 10 năm (2008 - 2018), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch - cơ quan thường trực về công tác gia đình của tỉnh tổ chức được 20 lớp tập huấn về công tác gia đình; phòng, chống BLGĐ cho gần 5.000 lượt học viên. 100% các đối tượng là thành viên BCĐ từ cấp tỉnh đến cấp xã được tham gia tập huấn những kiến thức về kỹ năng điều hành sinh hoạt câu lạc bộ cho ban chủ nhiệm các câu lạc bộ, tư vấn hòa giải, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong phòng, chống BLGĐ cho các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, trong đó có đội ngũ công an xã.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, ban chủ nhiệm các câu lạc bộ (CLB) được trang bị, bổ sung thêm những kiến thức trong quản lý Nhà nước về gia đình; phòng, chống BLGĐ và nâng cao được kỹ năng điều hành sinh hoạt CLB cho ban chủ nhiệm. Cũng trong giai đoạn này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã biên soạn, phát hành 7.000 cuốn tài liệu; 5.000 đĩa CD; 4.500 cuốn luật… liên quan tới công tác gia đình.

Các cơ quan, đơn vị thành viên BCĐ là Hội LHPN, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh, các huyện, thành phố và thị xã đã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức được hàng nghìn buổi tuyên truyền tại cộng đồng về Luật Phòng, chống BLGĐ, với hàng triệu lượt người tham gia. Các đơn vị thành viên BCĐ cũng đã tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn kiến thức về đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kỹ năng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, kiến thức về phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới cho hàng nghìn lượt người. Điển hình là các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan về phòng, chống BLGĐ; các hội thảo, hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống BLGĐ với chủ đề “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam”; “Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực”; “Đàn ông mình nói không với BLGĐ”...

Tại cơ sở, hàng trăm CLB liên quan đến công tác phòng, chống BLGĐ được thành lập, thu hút được hàng nghìn hội viên tham gia, như CLB gia đình phát triển bền vững; CLB phòng, chống BLGĐ; CLB tuyên truyền, phổ biến pháp luật; CLB trợ giúp pháp lý - tư vấn pháp luật; CLB bình đẳng giới… Đến nay, toàn tình đã xây dựng được 103 mô hình phòng, chống BLGĐ, với 743 CLB, 243 nhóm, thu hút hơn 50.000 thành viên tham gia. Tại các huyện, thành phố và thị xã cũng đã thành lập được 1.289 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 3.317 tổ hòa giải cơ sở và 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn của tỉnh là nơi khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhận BLGĐ. 

Do triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có các luật liên quan đến gia đình, nhận thức của đại bộ phận cán bộ, nhân dân được nâng cao, tình trạng BLGĐ có xu hướng giảm, như: BLGĐ về thân thể giảm từ 147 vụ/2008 xuống còn 73 vụ/2018; BLGĐ về tinh thần giảm từ 228 vụ/2008 xuống còn 27 vụ/2018; BLGĐ về tình dục giảm từ 16 vụ/2008 xuống còn 3 vụ/2018... Đây là những thông tin vui, báo hiệu một xã hội ổn định, bền vững và phát triển. Điều quan trọng là nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, xã hội được nâng cao, góp phần quan trọng ngăn chặn, phòng ngừa các tệ nạn xã hội, tiến tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.