Đất nước ta đang trong những bước phát triển mạnh của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cùng với những nhà máy, công trình được xây dựng mỗi ngày là lực lượng lao động trẻ rời làng quê để tìm kiếm cơ hội làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở khắp nơi. Điều này đem lại nhiều cơ hội mới cho lao động trẻ nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề cần giải quyết.
Một hướng thoát nghèo
Mỗi ngày, vợ chồng anh Dương Văn Tới (32 tuổi) và chị Lương Thu Ngân (29 tuổi) ở xã Phú Thượng (Võ Nhai) đều đi hơn 60km đến làm việc tại Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên). Anh Tới bảo: Hàng ngày đi làm, chúng tôi được xe của Công ty đưa đón nên không mất quá nhiều công sức. Còn chị Ngân nhẩm tính: Nhà tôi có 6 sào ruộng nhưng thiếu nước nên chỉ trồng được một vụ lúa, hoa màu cũng chẳng đáng là bao. Nếu gặp thời tiết xấu, mùa màng mất trắng, gia đình có lúc còn đứt bữa. Nhưng từ khi làm việc tại Công ty, vợ chồng tôi có thu nhập ổn định, con cái có điều kiện tốt hơn để học hành.
Cũng giống như anh Tới, chị Ngân, nhiều lao động trẻ hiện nay lựa chọn làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên khắp cả nước. Chị Trần Thị Hoạt (30 tuổi) ở xóm Na Biểu, xã Phủ Lý (Phú Lương) chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi không tiếp tục học lên mà ở nhà làm nông nghiệp. Tuy nhiên, do thiếu vốn sản xuất nên hiệu quả kinh tế không cao, gia đình vẫn quanh quẩn với cảnh nghèo khó. Đầu năm 2018, tôi được giới thiệu vào là việc tại Công ty TNHH Samsung Electronis Việt Nam Thái Nguyên với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, tôi đủ trang trải cuộc sống gia đình và có một khoản tiết kiệm nhỏ hàng tháng. Đến cuối năm 2018, gia đình tôi đã được công nhận thoát nghèo.
Theo ông Trần Đức Minh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình: Mỗi năm, huyện Phú Bình tạo được xấp xỉ 3.000 việc làm tăng thêm, trong đó, khoảng 80% là lao động trẻ làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy thu nhập trung bình của nhóm lao động này là khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức khá cao so với bình quân thu nhập ở khu vực nông thôn, đặc biệt đối với các hộ nghèo.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá: Cùng với nhịp độ phát triển chung, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để đào tạo, giới thiệu và giúp đỡ người lao động vào làm việc tại các khu công nghiệp. Qua đó, để người lao động được tiếp xúc với điều kiện làm việc tốt hơn, môi trường lao động chuyên nghiệp và việc làm ngày càng bền vững hơn, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh chỉ còn 6,53% hộ nghèo.
Khi cánh đồng lùi lại phía sau
Xã Văn Hán (Đồng Hỷ) có trên 2.600 hộ thì có đến khoảng 2.300 hộ có nguồn thu nhập từ chè. Cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương nhiều năm nay. Tuy vậy, những năm gần đây, Văn Hán gặp khó trong phát triển thương hiệu chè địa phương. Một trong những nguyên do là vì thiếu lao động. Ông Vi Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Văn Hán bộc bạch: Khoảng trên 70% lao động trẻ (dưới 40 tuổi) ở xã đã rời làng đi làm việc tại khu vực đô thị hoặc các khu công nghiệp. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt lao động cho công việc trồng, sản xuất chè. Hiện nay, đa phần các hộ dân trong xóm chỉ bán chè búp tươi chứ ít có hộ tham gia chế biến chè xanh, chè đen khô để nên địa phương không có điều kiện xây dựng thương hiệu chè. Cũng xảy ra tình trạng như vậy, ở các địa phương như Phú Bình, thị xã Phổ Yên… không ít nơi đồng đất bị bỏ hoang hoặc chuyển đổi thành các xưởng sản xuất gạch nung, nhà kho, bãi đỗ xe… vì thiếu lao động thường xuyên.
Không chỉ thiếu hụt lao động ở khu vực nông thôn, làn sóng lao động trẻ ồ ạt rời quê còn ảnh hưởng không nhỏ đến các phong trào, hoạt động của địa phương. Anh Lường Văn Khoa, Bí thư chi bộ Vân Lăng, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) cho biết: Vì hầu hết người trẻ đã đi lao động ở các địa phương khác nên công việc ở xóm phần lớn do những người lớn tuổi đảm nhận. Từ việc tổ chức Tết thiếu nhi, Tết Trung thu đến phong trào thể dục thể thao… chúng tôi đều phải huy động cả người cao tuổi tham gia. Thêm nữa, lao động đi làm xa nhà còn khiến việc chăm sóc, gần gũi con cái bị gián đoạn. Còn anh Hoàng Ngọc Thịnh, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tràng Xá (Võ Nhai) cho hay: Không chỉ thanh niên đi lao động tại địa phương khác, nhiều người trẻ vẫn có mặt tại địa phương nhưng do công việc bận rộn, phải đi làm ca nên hiếm khi tham gia sinh hoạt tại địa phương. Hiện nay, mỗi chi đoàn chỉ có từ 3 đến 4 đoàn viên thường xuyên có mặt tại địa phương nên nhiều hoạt động đoàn ở cơ sở đều diễn ra chắp vá.
Để “ly nông bất ly hương”
Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 430.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, chiếm trên 56% tổng số lao động. Số lao động này chủ yếu tập trung ở một số địa phương có các nhà máy, khu công nghiệp lớn như T.P Sông Công, T.X Phổ Yên, huyện Phú Bình… Thực tế công tác lao động cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm hiện nay đang ở mức thấp. Kết quả điều tra năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng trong độ tuổi lao động là 1,68%, tỷ lệ thiếu việc làm là 0,47%. Để giải bài toán việc làm cho lao động nông thôn, các địa phương cần thực hiện tốt vấn đề quy hoạch nông thôn và có những chính sách hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về hoạt động tại địa bàn. Đã có nhiều doanh nghiệp địa phương với quy mô nhỏ nhưng thu hút từ vài chục đến cả trăm lao động làm việc ngay tại địa phương. Đơn cử như Công ty CP May Thành Hưng có trụ sở chính tại xã Bảo Lý (Phú Bình) thu hút trên 500 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5-6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, chủ yếu là người địa phương, những người đã từng đi lao động xa về làm việc.
Cùng với đó, với thế mạnh nông - lâm - ngư nghiệp, nếu làm tốt công tác đào tạo, hướng nghiệp cho lao động trẻ, phù hợp với điều kiện thực tế và thế mạnh của địa phương, đồng thời có chính sách hỗ trợ vốn vay để đầu tư trang, thiết bị sản xuất thì những thanh niên nông thôn sẽ có thêm nhiều cơ hội làm giàu tại chính quê hương. Cần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Khi đó, dù nhu cầu sử dụng lao động nông nghiệp giảm nhưng vẫn đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế.
Có thể khẳng định, việc tạo điều kiện cho lao động trẻ vào làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là một chủ trương đúng đắn của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội. Việc làm này đã mang lại hiệu quả tích cực cho người lao động và các địa phương. Tuy vậy, về lâu dài vẫn cần có giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực của đội ngũ lao động trẻ, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các dây chuyền sản xuất hiện đại. Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp nhằm giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra trong tương lai.