Sẻ chia với người dân vùng mỏ

16:01, 16/01/2019

Từ năm 2014 đến nay, không ít hộ dân của xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) phải sống trong cảnh bất an, lo lắng vì nhà cửa, công trình bị rạn nứt, sụt lún, mất nước. Sự việc này đã kéo dài nhiều năm song chưa được giải quyết triệt để vì chưa có cơ sở để quy trách nhiệm cho từng đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn. Thế nhưng, cuối năm 2018, huyện Đồng Hỷ đã chính thức công bố kết quả, chỉ ra nguyên nhân gây nên tình trạng trên. Đây là niềm vui đối với người dân vùng ảnh hưởng, qua đó cũng khẳng định sự vào cuộc tích cực, sự quan tâm, sẻ chia trong nhiều năm qua của các cấp chính quyền, đặc biệt là huyện Đồng Hỷ.

Trước hiện tượng sụt lún, mất nước, nứt nhà cửa trên địa bàn xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau những năm vừa qua, huyện Đồng Hỷ đã cùng các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn 2 địa phương tiến hành di dời, tổ chức tái định cư đối với những hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hỗ trợ nước sạch sinh hoạt và nước canh tác cho các hộ bị mất nguồn nước. Đồng thời, kiểm kê, hỗ trợ, bồi thường tài sản, diện tích hoa màu bị thiệt hại. Theo đó, trong 2 năm (năm 2016 và 2017), đã di dời 17 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng về nhà ở ra nơi ở mới, bồi thường nhà ở, các công trình, hạng mục bị ảnh hưởng, hỗ trợ sản lượng lương thực với tổng số tiền gần 23 tỷ đồng. Đến nay, những hộ dân này đã cơ bản ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống.

Gia đình bà Bùi Thị Lợi, ở tổ 2 (trước đây là tổ 14) thuộc thị trấn Trại Cau là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hoạt động khai thác khoáng sản. Trước đây, vì giáp khu vực vành đai của mỏ nên ngôi nhà của bà bị siêu vẹo, tường nhà nứt toác. Không ít đêm mưa gió, gia đình bà phải di chuyển ra ngoài lợp lán để ở tạm phòng nếu nhà đổ. Cuối năm 2016, được bồi thường thiệt hại, gia đình bà đã được di chuyển đến nơi ở mới. Bà Lợi chia sẻ: Hơn 1 năm nay, gia đình tôi đã được ngủ ngon, không phải lo nhà đổ như trước nữa. Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm, sẻ chia của các cấp chính quyền, nhất là thị trấn Trại Cau. Suốt thời gian dài trước đây, cứ khi trời mưa gió, bà con thông báo là lãnh đạo, cán bộ, dân quân đều có mặt kịp thời để giúp đỡ bà con lợp lán, di chuyển đến nơi an toàn.

Chung quan điểm với bà Lợi, ông Vũ Tất Minh, ở tổ 12, thị trấn Trại Cau cho biết: Ngôi nhà cũ của gia đình tôi trước đây chỉ cách khu vực khai thác của Mỏ sắt Trại Cau khoảng 100m nên đã chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt chằng chịt, ngoài vườn thi thoảng lại xuất hiện hố sâu tới 4-5m... Tuy vậy, sau một thời gian, gia đình chúng tôi đã được bồi thường để di chuyển đến nơi ở mới. Hiện nay, gia đình tôi cũng có điều kiện thuận lợi để tiếp tục kinh doanh, buôn bán.

Mặc dù đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng, song, do chưa có cơ sở khoa học để xác định nguyên nhân cũng như quy trách nhiệm đối với từng đơn vị khai thác khoáng sản nên tình trạng sụt lún, mất nước vẫn diễn biến phức tạp. Qua số liệu thống kê, trong năm 2018, tại 2 địa phương trên có thêm 135 trường hợp (thị trấn Trại Cau 48 trường hợp, xã Cây Thị 87 trường hợp) bị ảnh hưởng do sụt lún đất, nứt nhà, mất nước; 182 hộ bị ảnh hưởng phải bồi thường, hỗ trợ sản lượng canh tác do mất nước sản xuất, với diện tích gần 30ha.

Trước thực tế đó, được sự đồng ý, chỉ đạo của cấp trên, huyện Đồng Hỷ đã thống nhất mời Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) thực hiện Dự án Nghiên cứu, đánh giá để xác định nguyên nhân và chủ thể gây nên tình trạng sụt lún. Sau gần 1 năm thực hiện, ngày 31- 10-2018, huyện Đồng Hỷ đã chính thức công bố kết quả nghiên cứu. Theo đó, nguyên nhân chính gây ra  hiện tượng sụt lún là do hoạt động khai thác tại moong Tầng sâu núi quặng thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Bên cạnh đó, ở một số vị trí cụ thể có liên quan đến Doanh nghiệp Anh Thắng và Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên.

Việc xác định được nguyên nhân và quy trách nhiệm cho từng đơn vị là tin vui với người dân vùng sụt lún. Bởi nhiều năm qua, họ đang mong chờ từng ngày để có cuộc sống ổn định hơn. Ông Phạm Thanh Sao, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cây Thị cho biết: Địa phương cùng nhân dân xin được cảm ơn cấp trên cùng các nhà khoa học đã không quản ngại khó khăn, làm việc bất kể ngày đêm, mưa nắng để có kết luận khách quan, chính xác về hiện tượng sụt lún, mất nước, nứt nhà. Từ đây, đã xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị khai thác. Họ sẽ chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ di dời công trình nhà cửa, bù đắp thiệt hại cho người dân trong nhiều năm qua.

Chị Vũ Thị Tân, xóm Kim Cương, cũng như nhiều người dân ở xóm Hòa Bình, xã Cây Thị vui mừng chia sẻ: Những năm qua, người dân chúng tôi khổ quá, phải sống trong cảnh thiếu nước, ruộng vườn không canh tác được. Hiện nay đã có thông báo kết luận rõ ràng, đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương cùng chính quyền kiểm đếm, đền bù thỏa đáng để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Có thể nói, bản kết luận xác định nguyên nhân gây sụt lún như giúp người dân vùng mỏ cũng như chính quyền các cấp của huyện Đồng Hỷ trút bỏ được gánh nặng về tinh thần về hiện tượng sụt lún đất. Bởi lẽ, sự việc này đã kéo dài trong nhiều năm, khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây luôn thấp thỏm, lo lắng. Qua đây, cũng cho thấy sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền các cấp, nhất là huyện Đồng Hỷ, đã cùng sẻ chia những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: Sau khi công bố kết quả xác minh, huyện Đồng Hỷ đã thành lập tổ công tác xuống từng hộ để kiểm đếm, xác định mức độ thiệt hại, trên cơ sở đó đề xuất phương án hỗ trợ, đền bù, di chuyển nhà cửa cho bà con. Bên cạnh đó, huyện cũng đã làm việc với 3 doanh nghiệp trên để thống nhất phương án, nguồn kinh phí chi trả theo thực tế cho bà con. Theo kế hoạch, trước Tết Nguyên đán năm nay, các doanh nghiệp này sẽ tiến hành chi trả trước tiền hỗ trợ thiệt hại về sản lượng cho người dân.