Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, khắp nơi đang sôi nổi các hoạt động tri ân người có công với cách mạng, tặng quà đối tượng chính sách, Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên đã có một hành trình ý nghĩa đến nơi địa đầu tổ quốc Hà Giang.
Câu chuyện ở Cao điểm 468
Từ T.P Hà Giang, chiếc xe của Đoàn công tác băng qua con đường trải nhựa phẳng lỳ, quanh co ôm lấy những quả đồi thấp phủ đầy màu xanh của cây lá, rồi lại lượn sát dòng nước sông Lô. Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang chia sẻ: Theo lời kể của các cựu chiến binh từng chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên vào những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, con đường này từng rất hẹp và vô cùng nguy hiểm do bị quân địch thường xuyên bắn phá, cày xới bằng các loại pháo. Thời đó, các chiến sĩ chỉ có thể đi lại vào ban đêm, xe chạy không được bật đèn. Trong những ngày kháng chiến ác liệt nhất, mỗi ngày có hàng nghìn quả đạn pháo “bay” trên bầu trời Vị Xuyên.
Khi đi qua trụ sở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, con đường lên Cao điểm 468 được mở ra. Chiếc xe từ từ bò qua những dốc núi quanh co, gấp khúc, có đoạn tưởng chừng như đâm sầm vào bầu trời. Trên chiếc xe lắc lư, Trung tá Phùng Văn Đức, Đội trưởng Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt Liệt sĩ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang bảo: Con đường này đang được mở rộng để phục vụ công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Tuy vậy, việc phá núi mở đường phải tiến hành rất chậm vì mỗi tấc đất đều có thể có hài cốt của các liệt sĩ đang nằm lại. Năm xưa, nơi đây từng là chiến trường khốc liệt, nổi danh với những “đồi thịt băm”, “lò vôi thế kỷ” hay “thung lũng gọi hồn”. Trên khắp mặt trận Vị Xuyên vẫn còn khoảng 1.300 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Nhiều người trong số họ đã bị đất đá vùi lấp nên công tác tìm kiếm rất khó khăn.
Sau hơn nửa giờ leo dốc, Cao điểm 468 sừng sững hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ năm 1984 đến 1989, tại mặt trận Vị Xuyên, cùng với các cao điểm 300-400, 685, 772, 1509… 468 là nơi chứng kiến cuộc giằng co ác liệt giữa quân ta và quân địch. Theo lời kể của người dân địa phương và các cựu chiến binh, tại Cao điểm 468, đạn pháo của ta và địch thi nhau cày xới suốt ngày đêm. Những lúc ngưng tiếng pháo, cả một vùng rộng lớn ở đây chỉ thấy một màu trắng xóa, không một lại cây nào có thể sống sót. Dù vậy, các chiến sĩ vẫn quyết tâm bám đất, giữ từng tấc đất quê hương với tinh thần “Sống trên đá - Chết hóa đá - Thành bất tử”. Hiện, nơi đây đã được tỉnh Hà Giang quan tâm, xây dựng thành Đài tưởng niệm. Cùng với đó, công tác rà phá bom mìn, quy tụ hài cốt các liệt sĩ còn nằm lại đang được triển khai.
Lời tri ân từ quê hương ATK
Rời Cao điểm 468, Đoàn công tác đến với Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, nơi an nghỉ của 1.771 liệt sĩ, trong đó có hơn 1.500 người đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Nơi đây nổi tiếng với lời bài hát Về đây đồng đội ơi của nhạc sĩ Trương Quý Hải gửi những người đồng đội đã chiến đấu và hy sinh tại mặt trận Hà Giang: “Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu .../Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào .../Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình…”
Hiện, Nghĩa trang còn có 1 phần mộ tập thể và 286 mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên các mặt trận thuộc tỉnh Hà Giang để quy tập về Nghĩa trang Vị Xuyên vẫn đang được tích cực thực hiện. Trong số 1.771 phần mộ tại đây, có 23 liệt sĩ quê Thái Nguyên (Bắc Thái cũ). Thắp nén tâm nhang, với tấm lòng thành kính, biết ơn đối với những chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ biên cương của Tổ quốc, Thiếu tá Ma Đình Hải, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ: Là một người lính, tôi rất xúc động khi được đến thăm và lắng nghe câu chuyện chiến đấu của các thế hệ người lính đi trước. Những người đã dành tuổi 20 tươi đẹp nhất của cuộc đời để bám đá, giữ từng tấc đất quê hương. Hành trình lần này để lại cho tôi nhiều cảm xúc, tôi thấy mình sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong công việc để xây dựng và giữ gìn thành quả mà các chú, các anh đã không tiếc xương máu bảo vệ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên thường xuyên tổ chức các đoàn viếng nghĩa trang, tặng quà người có công để thể hiện sự tri ân của lãnh đạo, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh với các Anh hùng liệt sĩ. Nhân dịp Tết Nguyên đán năm nay, được ủy quyền của lãnh đạo tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức hai Đoàn đến dâng hương, đặt vòng hoa viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Chúng tôi cũng đã đến thăm và tặng quà các thương binh quê Thái Nguyên đang điều dưỡng tại các tỉnh, thành khác. Cũng trong thời điểm này, các phần quà của Chủ tịch nước, của tỉnh và các địa phương đang được chuyển đến người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh để các gia đình đón Tết, vui Xuân.