Xây dựng môi trường ứng xử lành mạnh, an toàn trên mạng xã hội

16:46, 12/01/2019

Mạng xã hội (MXH) đang phát triển nhanh chóng và trở thành một thứ thiết yếu đối với đời sống xã hội. Không ai có thể phủ nhận những tiện ích, cơ hội mà MXH mang lại, song bên cạnh đó, với đặc thù tính liên kết, tính lan tỏa và không được kiểm soát thì những thông tin tích cực và cả những thông tin xấu, độc cũng lan tỏa với tốc độ chóng mặt.

Ngoài những thông tin mang tính tích cực, điều đáng nói khi tham gia MXH là không ít tổ chức, cá nhân đã từng trở thành nạn nhân của các phát ngôn thù ghét nhau trên mạng, trong đó phần lớn bị lợi dụng để nói xấu, phỉ báng nhau, thậm chí là vu khống, bịa đặt thông tin, kỳ thị dân tộc, kỳ thị giới tính... Nguyên nhân là do nhận thức của người sử dụng cho rằng MXH là môi trường ảo nên nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn do có sự khác biệt về môi trường pháp lý đối với các nền tảng MXH do nước ngoài cung cấp.

Ngay trước thềm năm mới, chiều ngày 25/12/2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã chính thức công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Bộ quy tắc gồm 3 chương và 7 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, trong đó quy định cụ thể 4 việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm và 8 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia MXH.

Bộ quy tắc có 4 nguyên tắc chung. Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ MXH phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm; Người sử dụng MXH phải tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng bản thân mình; Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền tự do và riêng tư của cá nhân. Bộ quy tắc cũng yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải công khai việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người sử dụng và cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; Người sử dụng dịch vụ công khai sự xuất hiện của mình trên MXH bằng cách sử dụng đúng thông tin cá nhân, tổ chức; Có trách nhiệm cùng các cơ quan quản lý loại bỏ các thông tin xấu độc…

Quy tắc ứng xử trên MXH được phân chia cho các đối tượng cụ thể, gồm: quy tắc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan Nhà nước sử dụng dịch vụ MXH và quy tắc dành cho người dân. Trong đó, đối với cán bộ, công chức, viên chức, bộ quy tắc quy định rõ những điều “không được làm”, đồng nghĩa với việc “cấm” không được sử dụng MXH phục vụ cho các mục đích như lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi ứng xử trên MXH; ứng xử thuận chiều với những thông tin xấu, độc, tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực; ứng xử trái chiều với các chuẩn mực về đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp hay cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến cá nhân, tổ chức mà do vị trí công tác của mình có được khi chưa được ủy quyền bởi cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh những điều “cấm”, bộ quy tắc cũng có nội dung khuyên cán bộ công chức nên làm, phải làm để góp phần xây dựng MXH an toàn, lành mạnh hơn.

Bốn việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia MXH được nêu rõ: Dùng/sử dụng tài khoản MXH của cá nhân mình để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước; đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên MXH có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, đất nước, uy tín của tổ chức, cá nhân; phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí.

Bộ quy tắc này vẫn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành và sử dụng MXH tại nước ta; không đi ngược lại các cam kết của nước ta trong đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh theo các điều ước quốc tế mà nước ta đã tham gia, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, gia đình, hạn chế tác động tiêu cực của MXH, ngăn ngừa thông tin xấu, độc.

Để Bộ quy tắc này đi vào thực tiễn, rất cần nâng cao nhận thức của người dân về MXH nói chung và bộ quy tắc ứng xử nói riêng. Thay vì cách làm dàn trải, thiếu trọng tâm, cần tác động nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Đây là những người có trình độ tương đối cao trong xã hội, lại gắn bó và chịu sự ràng buộc của một tập thể, tổ chức nhất định nên việc đo lường sự thay đổi, biến chuyển cũng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, trước thực trạng  người tham gia MXH ngày càng được trẻ hóa, Bộ quy tắc ứng xử này cần được phổ biến ngay trong các nhà trường; mặc dù là bộ quy tắc ứng xử nhưng cũng cần có cơ chế giám sát và chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm, thay vì chỉ “chịu trách nhiệm trước pháp luật” sẽ thiếu tính răn đe.

Tám việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia MXH:

1- Vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; các quy định về bảo mật dữ liệu, tài liệu; quy định về bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của công dân và các quy định khác của pháp luật;

2- Đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên MXH vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác;

3- Đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên MXH, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác;

4- Bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực và các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp nhạy cảm đang cần tạo sự đồng thuận, cách nhìn và thái độ tích cực mang tính xây dựng của xã hội.

5- Sao chép, chia sẻ, phát tán tin, bài, tác phẩm, âm thanh, hình ảnh vi phạm bản quyền.

6- Thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân; tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ súy lối sống đồi trụy, hủ mục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, phân biệt chủng tộc;

7- Miêu tả thô thiển, phản cảm những hành động dâm ô, tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và đạo đức xã hội;

8- Sử dụng logo, hình ảnh, thông tin dữ liệu của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, sử dụng danh nghĩa Hội Nhà báo Việt Nam khi tham gia các diễn đàn, trang MXH khi chưa được phép.