Tiếp nối đà tăng trưởng của các năm 2017 và 2018, năm nay, nhu cầu về nhân lực của thị trường lao động tỉnh ta vẫn tiếp tục tăng. Trong đó, nhu cầu về lao động có tay nghề, trình độ ngày một cao. Thực tế này đòi hỏi sự thay đổi trong cả tư duy của người lao động cũng như các cơ sở đào tạo nghề.
Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) thông tin: Thái Nguyên vẫn đang nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao trong cả nước. Kéo theo đó là sự thu hút đông đảo lao động. Theo thông tin chúng tôi thu thập được, dự báo trong năm 2019, nhóm ngành nghề công nghiệp điện tử và ngành dịch vụ vẫn sẽ tiếp tục tăng. Lao động ngành May công nghiệp cũng có thêm nhiều cơ hội việc làm do sự phát triển và mở rộng nhanh chóng trong thời gian gần đây của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đặc biệt, từ khoảng giữa năm 2018, đã có một số doanh nghiệp trung gian tuyển dụng và cho thuê lao động theo thời vụ, đây cũng là cơ hội cho nhiều lao động lúc nông nhàn.
Đối với xuất khẩu lao động, con số lao động Thái Nguyên đi làm việc tại nước ngoài là khoảng 1.000 người/năm. Năm nay, thị trường tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhiều là Nhật Bản và Đài Loan. Anh Đặng Minh Thuấn, Trưởng phòng Tuyển dụng, Công ty CP Thương mại và Phát triển Quốc tế IPM chia sẻ: Xu hướng gần đây của các đơn vị đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài như chúng tôi là tuyển dụng thực tập sinh vừa học vừa làm. Trong đó, lao động vừa được học tiếng, kiến thức nhưng vẫn được thực hành công việc, được trả mức lương xứng đáng. Chương trình thực tập sinh cũng tạo cơ hội cho người lao động được tiếp xúc với môi trường làm việc tại nước ngoài, củng cố tay nghề, các kỹ năng của người lao động để tìm được việc làm sau khi về nước. Thực tế đa phần thực tập sinh sau khi về nước dù không quay lại làm việc tại nước ngoài nhưng vẫn dễ dàng tìm được các công việc phù hợp ở trong nước với mức lương tương xứng.
Có thể thấy, thị trường lao động hiện nay vẫn đang khá dồi dào nguồn cung cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế thị trường lao động Thái Nguyên hiện nay vẫn còn không ít hạn chế. Đó là trình độ người lao động còn thấp, đa phần là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Vì vậy, khi tuyển dụng họ, doanh nghiệp phải đào tạo từ đầu. Thêm nữa, nhu cầu của người lao động cũng chủ yếu hướng đến các công việc phổ thông nên không mặn mà với việc tham gia đào tạo nghề. Điều này dẫn đến tình trạng trong khi nhiều doanh nghiệp “mỏi mắt” tìm lao động có trình độ cao, chuyên sâu thì những lao động phổ thông vẫn xếp hàng dài chờ các đợt tuyển dụng. Thêm nữa, từ trước đến nay, quy trình giới thiệu việc làm cho người lao động của các cơ quan chức năng thường là tìm hiểu xem doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gì, để định hướng, tuyên truyền cho người dân tham gia đào tạo ngành nghề đó. Quy trình này đang khá ngược khi đào tạo lại đi sau nhu cầu thực tế. Kéo theo đó là thực trạng đào tạo nghề chưa tương xứng, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, người lao động vẫn trông mong vào nhu cầu của thị trường chứ chưa tìm được cách tiếp cận thị trường.
Để giải quyết được thực trạng này, trong thời gian tới, ngành Lao động tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục tổng hợp và đưa ra dự báo, phấn đấu xây dựng các bản tin định kỳ. Trong đó, đưa ra phân tích, định hướng về thị trường trong từng giai đoạn, thời kỳ để người lao động nắm bắt. Tăng cường công tác định hướng nghề cho học sinh ngay từ bậc THCS để có hướng phân luồng cụ thể cho thị trường lao động giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt, nâng cao chất lượng và hiệu quả Trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn chính sách, tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động. Qua đó giúp người lao động chọn được công việc phù hợp năng lực, doanh nghiệp tuyển dụng được người phù hợp yêu cầu, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Đồng thời, phối hợp các các doanh nghiệp để tuyển sinh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo nhu cầu của đơn vị. Về phía người lao động, cũng cần nhận thức rõ xu hướng thị trường, khai thác năng lực bản thân, tham gia vào đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng làm việc và pháp luật để thực hiện tốt hơn công việc.