Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thể hiện sức mạnh đồng thuận của mọi người trong cộng đồng xã hội. Kết quả cuộc vận động đã có tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường xã hội lành mạnh.
Các nội dung Cuộc vận động như: Xoá đói, giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hoá; xây dựng môi trường văn hoá; xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao và xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh trên toàn tỉnh tiếp tục được các cấp, ngành và người dân hưởng ứng tham gia. Trong năm các cấp, ngành đã vận động hỗ trợ xây dựng được 355 nhà cho hộ nghèo, trong đó Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ xây dựng 67 nhà mái ấm công đoàn; Hội Cựu chiến binh, ngoài hỗ trợ xây dựng 8 nhà đại đoàn kết, còn tích cực phối hợp với Quỹ Thiện tâm triển khai xây dựng được 30 nhà tình nghĩa tặng cho gia đình hội viên và hộ nghèo; Hội Liên hiệp phụ nữ hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 34 nhà mái ấm tình thương cho các gia đình chính sách, phụ nữ nghèo và nạn nhân chất độc da cam; Tỉnh đoàn hỗ trợ 5 nhà cho gia đình thanh niên, học sinh nghèo, với tổng trị giá trên 25,62 tỷ đồng.
Mỗi cơ quan, đơn vị một cách làm, nhưng đều có chung mục đích là huy động, vận động và gom lại các tấm lòng thảo thơm để giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo. Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Minh Thu, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ T.P Thái Nguyên cho biết: Các cấp, ngành của Thành phố luôn chủ động tìm đến những địa chỉ nghèo để giúp đỡ, hỗ trợ làm nhà, sửa nhà ở. Năm 2018, Thành phố có 154 hộ được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 2,44 tỷ đồng, gồm 37 hộ nghèo được hỗ trợ tiền làm nhà ở mới, 117 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ tiền sửa nhà ở, trong đó 347,5 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo Thành phố; 2.095 triệu đồng từ ngân sách Thành phố. 100% số hộ được Thành phố hỗ trợ tiền làm nhà, sửa nhà đều đã xây dựng hoàn thiện, dọn vào ở nhà mới đón Xuân 2019. Ngoài ra, MTTQ Thành phố đã trích 100 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho 2 hộ nghèo ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
Đời sống kinh tế ổn định, người dân có điều kiện thuận lợi hơn khi tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động. Ông Phạm Trường Đoàn, Bí thư chi bộ tổ 13, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Trước đây đời sống kinh tế của người dân nói chung khó khăn, tổ dân phố không có nhà văn hoá (NVH), nên mỗi lần họp xóm đều phải nhờ mượn nhà dân. Đến năm 1993, nhân dân trong tổ tự nguyện đóng góp mua được 400m2 đất, rồi lại cùng đóng góp xây dựng hoàn thiện khu NVH làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa và tập luyện thể thao.
Tiếp tục thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, các cấp, ngành trong tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ để phát triển thiết chế văn hoá, thể thao, xây dựng nhà văn hóa xóm, tổ dân phố, như: T.P Thái Nguyên hỗ trợ 100 triệu đồng/ NVH; huyện Phú Lương thực hiện hỗ trợ 3 mức: 10 triệu đồng, 30 triệu đồng, 40 triệu đồng/ NVH; T.X Phổ Yên thực hiện hỗ trợ 2 mức: 40 triệu đồng, 50 triệu đồng/ NVH; huyện Đồng Hỷ hỗ trợ 60 triệu đồng/ NVH; huyện Định Hoá, Đại Từ hỗ trợ 20 triệu đồng/ NVH; huyện Võ Nhai thực hiện lồng ghép các nguồn hỗ trợ 150 triệu đồng/ NVH; T.P Sông Công thực hiện hỗ trợ 50 triệu đồng/ NVH. Việc xây dựng NVH xã được tỉnh đầu tư tập trung vào các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, với mức hỗ trợ 3 tỷ đồng/ NVH xã; 1 tỷ đồng/sân thể thao xã.
Quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, tổ chức và nhân dân đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao, như vận động các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà tài trợ trên địa bàn hỗ trợ, ủng hộ xây dựng NVH; đóng tủ sách, báo, trang trí nội thất NVH; làm sân tập luyện thể thao và làm đường bê tông. Để phù hợp với nhu cầu cũng như tâm tư nguyện vọng của đại đa số nhân dân, hằng năm trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều NVH được nhân dân đóng góp đối ứng cùng Nhà nước xây dựng mới hoặc sửa chữa nâng cấp. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Phương Thảo, Phó phòng Văn hoá - Thông tin huyện Đồng Hỷ cho biết: Từ năm 2013 đến năm 2018, cấp xóm, tổ dân phố thuộc huyện Đồng Hỷ có 64 NVH được xây dựng mới; 65 NVH được sửa chữa, nâng tổng số NVH xóm, tổ dân phố lên 201 NVH, trong đó có 119 NVH đạt tiêu chí nông thôn mới. Điển hình có xã Hòa Bình và xã Hoá Thượng, 100% số xóm có NVH đạt chuẩn nông thôn mới.
Những thông tin tươi mới về kết quả Cuộc vận động làm chúng tôi vui lây, quên đi cái rét buốt ngày cuối năm cắn vào da thịt, mà cảm nhận được sự ngọt ngào khi mùa xuân đang đến rất gần. Nhất là lúc tận mắt chứng kiến các mẹ, các chị Khu Dân cư An Thái, phường Đồng Tiến (T.X Phổ Yên) cùng tập luyện thể thao dưỡng sinh, sẽ ít người biết được những xứ đồng xưa đã được con người “cải biển lên đồi”, nhà cao tầng mọc lên san sát, phố xá tấp nập người qua lại bán mua. Bà Lê Thị Tĩnh, 69 tuổi, cư dân ở đây cho biết: Khu Dân cư An Thái ngoài 288 hộ, 1.223 nhân khẩu thường trú còn có hơn 4.000 công nhân Sam Sung tạm trú. Tuy nhiên trên địa bàn không xảy ra mất trật tự an ninh, bà con đoàn kết cùng tham gia xây dựng đời sống vật chất, tinh thần ngày thêm phồn vinh.
Một mùa Xuân mới ùa về trong niềm hân hoan phấn chấn. Bởi “Sản phẩm” của sự đồng thuận làm nên một diện mạo Thái Nguyên đổi mới, văn minh; đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân được cải thiện nâng cao.