Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

14:45, 11/02/2019

Những năm qua, tỉnh ta đã làm tốt công tác chăm lo cho người khuyết tật (NKT) hòa nhập với cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ NKT như chăm lo sức khỏe, phối hợp với các tổ chức từ thiện đưa NKT đi phẫu thuật chỉnh hình, giới thiệu học nghề, tạo việc làm… giúp NKT vươn lên trong cuộc sống.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến nay, toàn tỉnh có gần 25.000 NKT. Trong đó, có gần 10.000 người tật về vận động, trên 5.000 người dị tật thần kinh, tâm thần; 5.000 người dị tật về nghe và nói, 3.500 người mắc tật về mắt, còn lại là người đa tàn tật. Toàn tỉnh có trên 13.500 người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng chiếm gần 40% trong tổng số 34.046 người hưởng trợ giúp xã hội hằng tháng. Với quan điểm “Không còn người khuyết tật bị bỏ lại phái sau” trong cộng đồng xã hội, toàn tỉnh đã có hai cơ sở bảo trợ xã hội công lập và một cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập. Các cơ sở này đã thực hiện quản lý, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho trên hàng nghìn lượt NKT mỗi năm. Đây cũng chính là cầu nối để NKT hòa nhập với cộng đồng.

Nhằm phát huy quyền và lợi ích của NKT, việc thành lập và tổ chức hoạt động của Hội NKT đã được các cấp, các ngành quan tâm thành lập. Toàn tỉnh hiện có 10 tổ chức hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, hoạt động từ tỉnh đế các huyện, thành phố và thị xã, với tổng số hội viên là gần 2.000. Nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, các tổ chức hội đặc thù đã được bố trí trụ sở làm việc, hỗ trợ kinh phí để hoạt động theo thẩm quyền về phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước.

Hàng năm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp các tổ chức thực hiện khám sàng lọc cho trên 400 trẻ em khuyết tật dạng vận động, tim, mắt, trung bình mỗi năm có trên 100 trẻ em được hỗ trợ phẫu thuật. Về thực hiện phòng ngừa giảm thiểu khuyết tật, toàn tỉnh có 100% số xã có cán bộ phụ trách công tác phục hồi chức năng, trên 96% số trạm y tế đã thực hiện khám sàng lọc trước và sau sinh. Thông qua hoạt động của tổ chức hội, năm trong hai năm 2017-2018 đã có 15.310 lượt người được xác định dạng tật, mức độ khuyết tật (chiếm 61% tổng số NKT), trong đó 21,1% khuyết tật mức độ đặc biệt nặng, 61,6% ở mức độ nặng, trên 17% ở mức độ nhẹ và chưa xác định được. 

Thực hiện quyền của NKT trong tham gia học tập văn hoá, hầu hết NKT trên địa bàn đều đã được tham gia học tập theo khả năng, nguyện vọng, trong đó 98% trẻ khuyết tật được đi học mẫu giáo, 85% theo học tiểu học… Trường hợp NKT dạng nghe, nhìn, nói được tiếp nhận nuôi dưỡng, học tập trung tại Trường Giáo dục trẻ em bị thiệt thòi của tỉnh, hiện nay nhà trường đang quản lý, giáo dục cho gần 300 em học sinh là NKT.    

Cùng với hoạt động dạy học, công tác dạy nghề và việc làm cho NKT luôn được tỉnh và các cấp hội cũng như chính quyền địa phương quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 2.000 NKT được đào tạo nghề, nghề đào tạo chủ yếu như thêu, may, đan lát, tẩm quất, massage. NKT tham gia học nghề được nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/người/khoá học. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3 cơ sở đào tạo nghề chuyên biệt cho NKT, duy trì hoạt động 12 cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, mỗi năm thu hút hàng nghì lượt người học và NKT tham gia lao động góp phần có thêm thu nhập hỗ trợ tích cực cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. 

Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch đã được các cấp, các ngành quan tâm, được thể hiện trên qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, tham quan… Liên tục các năm từ 2011 đến nay, NKT của tỉnh đều tham dự Hội thi thể thao NKT, trong đó năm 2013 được tổ chức tại Thái Nguyên; năm 2014, lần đầu tiên tỉnh tổ chức Hội thi tiếng hát NKT lần thứ nhất để tham dự hội thi cấp toàn quốc lần thứ nhất và đã có một Huy chương Vàng, hai Huy chương Bạc tại cuộc thi khu vực phía Bắc.

Tại Hội thi thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc, đoàn Thái Nguyên đã đoạt 3 bộ Huy chương Vàng, 7 bộ Huy chương bạc, đặc biệt trong năm 2018, tại Đà Nẵng, trong Hội thi Thể thao NKT toàn quốc, Đoàn Thái Nguyên đã có 2 Huy chương Bạc môn Cầu lông. Thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, học nghề, thực hành nghề và tham gia lao động, hình ảnh NKT nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà hảo tâm. Hàng năm, thông qua hoạt động nhân đạo, từ thiện, NKT đã nhận được hàng tỷ đồng hỗ trợ giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, trong hai năm 2017-2018, các cấp Hội đã vận động được trên 500 triệu đồng xây dựng quỹ Hội, tiếp nhận hàng trăm chiếc xe lăn mỗi năm... 

Có thể nói, thông qua hoạt động của các cấp Hội, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, NKT, trẻ mồ côi… đã tự tin vượt qua chính mình để có được cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn, hòa nhập cộng đồng một cách chủ động, tích cực hơn. Bên cạnh đó, NKT vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong cuộc sống như: Thiếu việc làm, sự tự ti trong chính bản thân họ… Mỗi chúng ta cần có trách nhiệm giúp đỡ họ khắc phục tâm lý mặc cảm về bản thân; đấu tranh thái độ kỳ thị, giúp họ thêm vững tin hòa nhập cộng đồng.