Đến thời điểm này, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí của Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Để có được kết quả ấy phải kể đến sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong xã, đặc biệt là đối với phong trào hiến đất làm đường bởi tiêu chí về giao thông là 1 trong những tiêu chí được địa phương xác định là khó hoàn thành nhất.
Đến xã Nam Hòa một ngày đầu Xuân mới, đi trên những con đường làng, ngõ xóm bê tông hóa sạch, đẹp, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân nơi đây khi những tuyến đường đất nắng bụi, mưa lầy trước kia đã không còn. Nhiều người nói đây là những con đường của lòng dân vì diện tích đất để mở rộng đường phần lớn đều do nhân dân hiến và đóng góp.
Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Nam Hòa cho biết: Là xã có địa bàn rộng, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên địa phương xác định giao thông là một tiêu chí khó. Để sớm hoàn thành tiêu chí này, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay, góp sức, đặc biệt là trong việc hiến đất làm đường và đối ứng kinh phí. Trong quá trình vận động thực hiện xã đã tiến hành khâu nào dễ làm trước, khó làm sau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời luôn đảm bảo quy chế dân chủ theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Do đó từ việc hiến đất mở đường đến việc huy động sức dân bê tông hóa đường giao thông ở xã Nam Hòa đều được người dân hưởng ứng nhiệt tình, tạo thành phong trào rộng khắp và phát triển mạnh mẽ trên địa bàn xã. Nam Hòa có 22 xóm thì 100% số xóm đều có hộ tham gia hiến đất làm đường, đến nay tất cả các tuyến đường trục xã, liên xã, trục xóm ở Nam Hòa đều đã được nhựa hóa và bê tông hóa. Toàn xã có trên 2.500 hộ dân thì gần 50% số hộ đã tham gia hiến hơn 10ha đất để mở rộng các tuyến đường. Tổng kinh phí thực hiện tiêu chí giao thông của xã là gần 61 tỷ đồng, trong đó nhân dân đã đóng góp hơn 27 tỷ đồng.
Để tìm hiểu rõ hơn về phong trào hiến đất XDNTM ở xã Nam Hòa, chúng tôi đã đến xóm Đồng Chốc, một trong những xóm đi đầu trong phong trào này. Dẫn chúng tôi đi tham quan tuyến đường trục xóm phẳng phiu mới hoàn thành cuối năm 2018, anh Miêu Văn Long, Trưởng xóm Đồng Chốc cho biết: Hiện nay, toàn bộ 4km đường trục xóm ở Đồng Chốc đã được bê tông hóa, để đảm bảo đường đạt tiêu chuẩn NTM, hơn 50 hộ trong xóm đã tình nguyện hiến trên 4.000m2 đất.
Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay, để vận động người dân hiến hàng chục, hàng trăm m2 đất không phải là dễ. Nhưng với quyết tâm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các thành viên của tổ dân vận xóm Đồng Chốc đã kiên trì vận động bà con. Dần dần, mọi người đều hiểu, nhất trí nhà ai có diện tích đất nằm trong quy hoạch làm đường thì hiến đất, ai nấy đều phấn khởi vì mình có một phần đóng góp để mở rộng đường. Bà Đặng Thị Làm, ở xóm Đồng Chốc đã hiến trên 400m2 đất để mở rộng tuyến đường trục xóm cho biết: Hiến đất làm đường giao thông nông thôn là một việc làm rất có ý nghĩa để góp phần xây dựng xóm làng đẹp hơn. Tôi nghĩ Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đúng đắn thì người dân ai cũng nên góp sức ủng hộ và tham gia.
Rời xóm Đồng Chốc, chúng tôi đến xóm Con Phượng, đây vốn là xóm 135 sâu, xa nhất của xã Nam Hòa. Trước kia, con đường trục chính dẫn vào xóm này còn nhỏ hẹp, vào mùa mưa bà con hầu như chỉ ở trong xóm, ai có việc cần ra xã đều phải đeo ủng để đi bộ hàng cây số bởi con đường lầy lội không thể di chuyển bằng xe máy, nhưng hiện nay trục đường chính của xóm đã được bê tông hóa 100%, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Văn Trường, Trưởng xóm Con Phượng cho biết: Toàn xóm có 60 hộ dân thì có đến 80% số hộ tham gia hiến đất làm đường. Có nhiều hộ hiến với diện tích lớn như gia đình ông Hứa Văn Thắng (hiến trên 1.000m2), ông Phùng Văn Xuân (hiến trên 700m2)… Nhờ có đường mới mà bây giờ nông sản bà con làm ra đã có thương lái đến tận xóm thu mua, cuộc sống của người dân đổi thay đáng kể.
Có thể thấy từ sự đồng thuận, chung sức của người dân, các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Nam Hòa đã từng bước được hoàn thiện. Con đường mới mở ra không chỉ giúp cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa dễ dàng mà còn tạo điều kiện cho bà con trong xã có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và làm giàu cho quê hương.