Những năm qua, cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đặc biệt chú trọng phát triển khoa học kỹ thuật mới, hiện đại phù hợp với năng lực trong khám, điều trị, phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Từng bước duy trì và giữ vững chất lượng Bệnh viện đạt nhóm đầu khu vực miền núi phía Bắc.
Một trong những kỹ thuật cao mà Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên triển khai là ghép thận. Ngày 18/9/2015, ca ghép thận đầu tiên đã được Bệnh viện thực hiện. Cặp ghép thận là hai anh em sinh đôi ở huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang: Trần Văn Đại - sinh năm 1980, trú tại phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên (người nhận) và Trần Văn Phong, sinh năm 1980, trú tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (người hiến). Đại bị suy thận giai đoạn 4 do viêm cầu thận. Ca phẫu thuật dưới sự chỉ huy của các chuyên gia ghép tạng của Bệnh viện 103 được tiến hành, 3 tiếng sau ca ghép, chức năng thận đã phục hồi và vài tiếng sau đó, các chỉ số gần như trở lại bình thường.
Thành công đầu tiên của Bệnh viện trong việc triển khai kỹ thuật cao là niềm vui không chỉ của người bệnh, người nhà người bệnh mà của cả tập thể bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên thực hiện. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Tuấn, Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu cho biết: Ghép thận là kỹ thuật khá chuyên sâu và chuyên biệt. Cắt thận từ người hiến tạng ghép sang cho người bệnh đòi hỏi sự cẩn thận tuyệt đối. Thực hiện ca ghép thận, chúng tôi phải chịu áp lực rất lớn bởi không cho phép thất bại mà chỉ có thành công, do vậy khâu chuẩn bị cho ca ghép phải cực kỳ chu đáo.
Để có được thành công, chúng tôi đã được Ban Giám đốc Bệnh viện cử đi đào tạo ở Bệnh viện Quân đội 103 hai năm liền. Thời gian đầu đi học, tôi cảm thấy kỹ thuật ghép thận là điều gì đó quá xa vời. Khi ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thành công cảm xúc của chúng tôi rất khó tả. Thành công này đánh dấu bước trưởng thành, kỹ thuật nâng lên tầm mới, sang trang mới về chuyên môn của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong thực hiện kỹ thuật cao của Bệnh viện tại Thái Nguyên. Từ ca ghép thận đầu tiên đó, giờ đây bác sĩ của Bệnh viện đã hoàn toàn chủ động các kỹ thuật chuyên sâu và đến nay đã đạt mốc 22 ca ghép thận…
Thành công này là một trong những yếu tố tiền đề để Bệnh viện tiếp tục phát triển khoa học kỹ thuật trong khám, điều trị cho người bệnh. Chỉ tính riêng trong hai năm 2017-2018: đã có 235 kỹ thuật mới được triển khai. Theo Tiến sĩ Lê Thị Hương Lan, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng khoa Sinh - Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên): Đầu năm 2018, Bệnh viện đã xây dựng mục tiêu: Trên 90% các khoa, phòng phấn đấu triển khai ít nhất 1 kỹ thuật mới theo danh mục kỹ thuật chuyên khoa hoặc 1 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phấn đấu đạt trên 75% trong số tổng danh mục do Bộ Y tế ban hành. Bệnh viện tiếp tục duy trì và phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới ở tất cả các chuyên khoa.
Trong năm, Bệnh viện đã triển khai 93 kỹ thuật mới như: Đốt các khối u gan, khối u ung thư phổi bằng sóng cao tần (Khoa Chẩn đoán hình ảnh/Ung bướu); chuyển vạt xương có nối hoặc ghép mạch vi phẫu; tái tạo ngón tay bằng ngón chân có sử dụng vi phẫu (Khoa Chấn thương chỉnh hình); khai thông mạch não bằng điều trị thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong nhồi máu cấp (của các chuyên khoa: Thần kinh, Chẩn đoán hình ảnh, Cấp cứu); cải tiến kỹ thuật tách DNA trong xét nghiệm đo tải lượng virus viêm gan B (Khoa Miễn dịch - Di truyền phân tử)… Những bệnh trước đây phải về Hà Nội chữa trị thì nay đã được thực hiện ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên như: Can thiệp tim mạch (đặt Sten), phẫu thuật tim, ghép thận, siêu lọc máu, xét nghiệm gan.
Nhờ tiếp tục phát triển mạnh các kỹ thuật đã triển khai, các kỹ thuật có nguồn bệnh nhân nhiều, chi phí thấp, hiệu quả điều trị cao mà người bệnh đã gửi gắm niềm tin với Bệnh viện. Đến nay, đã có gần 3.000 bệnh nhân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao tại Bệnh viện như: Phẫu thuật thần kinh, thay khớp gối, khớp háng, can thiệp tim mạch; xét nghiệm chuyên sâu: sinh hóa, sinh học phân tử, huyết học, vi sinh…
Cùng với đó, Bệnh viện cũng đã tập trung nguồn lực tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao từ Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương về điều trị các bệnh máu và các kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu thuộc Trung tâm Huyết học truyền máu. Phối hợp thúc đẩy, tạo điều kiện để các đơn vị thành lập mới phát triển khoa học kỹ thuật thu hút bệnh nhân, nâng cao chất lượng điều trị như: Trung tâm đột quỵ, Khoa Ngoại nhi, Khoa Sinh học Di truyền phân tử ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử, di truyền trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Tăng cường chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật cao cho tuyến dưới và bệnh viện khu vực ở các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Ninh kỹ thuật chạy thận nhân tạo, phẫu thuật do chấn thương, hồi sức, phẫu thuật thần kinh…
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện khẳng định: Cùng với việc duy trì kỹ thuật khoa học mới, chuyên sâu, chúng tôi sẽ thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ cán bộ có tay nghề cao để có nguồn nhân lực phục vụ nhân dân tốt hơn trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.