Nước về vùng đất “khát”

09:48, 11/02/2019

Lần đầu đến xóm Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ), hình ảnh chúng tôi ấn tượng là các cô giáo ở điểm trường mầm non khiêng từng xô nước về cho các cháu sinh hoạt. Nhưng từ đầu năm nay, khi công trình cấp nước sinh hoạt có tổng mức đầu tư trên 3,3 tỷ đồng được xây dựng tại xóm hoàn thành đã khiến cuộc sống của bà con có những đổi thay đáng kể (ảnh).

Chúng tôi đến nhà ông Phạm Tuấn Tú, Bí thư Chi bộ xóm Mỏ Ba đúng lúc ông Tú đang rửa rau chuẩn bị nấu cơm trưa. Đưa tay vặn khóa vòi nước để dòng nước chảy đầy chậu, ông Tú hồ hởi: Đây là nước dẫn từ công trình nước sinh hoạt tập trung mới được đầu tư ở xóm. Trước đây bà con chủ yếu dùng nước ở các khe suối, có nhiều hộ phải đi vài cây số mới lấy được nước về dùng, bây giờ có nước rồi bà con đỡ vất vả hơn nhiều.  
Mỏ Ba là một trong những xóm đặc biệt khó khăn của xã Tân Long, xóm có gần 150 hộ dân với trên 800 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 80% số hộ. Trước kia, cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn do thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Muốn có nước dùng, bà con phải vào các khe suối ở núi đá để bắc ống dẫn nước về, nhưng cũng chỉ mùa mưa nước mới chảy về đến nhà, mùa khô thì người dân phải mang can vào tận các chân núi đá để hứng nước. Việc sử dụng nước cũng phải rất tiết kiệm thì mới đủ dùng. Nguồn nước khan hiếm đã đành nhưng chất lượng nước cũng không đảm bảo vì có nhiều đá vôi.
Thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con nơi đây mà còn khiến cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do không chủ động được nguồn nước tưới nên người dân ở Mỏ Ba chủ yếu trồng ngô. Mỗi năm trồng 2 vụ nhưng cũng chỉ được 1 vụ vào mùa mưa là ngô cho hạt đều và chắc, còn vụ trồng vào mùa khô thì hầu như bị mất mùa. Đất ở đây vốn là đất đồi nên nếu có mưa thì còn mềm ra một chút, nắng lên là lại trở về trạng thái khô cằn, rắn đanh, các loại cây trồng đều chậm phát triển do không có nước tưới.
Những khó khăn kể trên khiến người dân trong xóm luôn mong mỏi có nguồn nước sạch. Bởi thế, khi công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư ở xóm ai cũng vui mừng. Anh Hồng Văn Khìn, một người dân trong xóm cho biết: Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn là thế nhưng để dẫn nước từ khe núi về dùng, tôi đã phải đi vay người thân hơn 5 triệu đồng để mua ống dẫn nước, nếu không ngày nào cũng phải mấy lượt đi bộ hàng tiếng đồng hồ để vào chân núi hứng nước mà nguồn nước có khi còn không đảm bảo vệ sinh. Giờ xóm được xây bể chứa nước rồi bà con sẽ có nước sạch dùng và không lo thiếu nước sinh hoạt nữa.
Công trình nước được đầu tư ở xóm không chỉ người dân cảm thấy phấn khởi mà các thầy, cô giáo ở 2 điểm trường tiểu học, mầm non của xóm cũng cảm thấy vui mừng. Cô Lâm Thị Mơ, giáo viên ở điểm trường mầm non Mỏ Ba cho biết: Trước kia chúng tôi thường xuyên phải đến nhà dân xin nước cho các cháu sinh hoạt nhưng do nước có nhiều đá vôi nên các cô cũng chỉ dùng để rửa bát đũa, tay, chân cho các cháu. Nước để nấu ăn, nước uống và nước rửa mặt thì 4 cô giáo của điểm trường hàng ngày lên xóm dậy học đã chia nhau mỗi người mang một can 5 lít đựng nước sạch từ nhà đến lớp. Tôi hy vọng công trình này sẽ cung cấp nguồn nước sạch đều đặn cho các hộ dân trong xóm và các điểm trường để các cô giáo thuận tiện hơn trong việc chăm sóc trẻ.
Ông Hoàng Hồng Nhật, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: Công trình nước sinh hoạt tập trung được đưa vào sử dụng sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 90% số hộ của xóm Mỏ Ba, một số hộ ở cao hoặc quá xa công trình thì nước nguồn nước sẽ khó tới nơi. Hiện, xã đang chỉ đạo xóm thành lập tổ bảo vệ và quản lý để công trình phát huy hiệu quả tối đa. Đồng thời tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức giữ gìn nguồn nước bằng cách không thả rông gia súc, vỏ thuốc bảo vệ thực vật hay rác thải sinh hoạt hàng ngày.