Với những hình thức, cách làm sáng tạo, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm tạo môi trường, điều kiện động lực giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, ngay từ nhỏ, chàng trai trẻ Trần Văn Long, ở xã Điềm Mặc (Định Hóa) đã nuôi ý chí, khát khao vươn lên làm giàu tại chính mảnh đất quê hương mình. Khoảng 10 năm trước, anh bắt đầu khởi nghiệp từ mô hình nuôi lợn mán, dúi, nhím. Khi đó, anh được Đoàn xã đứng ra tín chấp cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Số vốn này chính là tiền đề giúp anh xây dựng thành công trang trại nuôi con “đặc sản”, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong nhiều năm liền.
Luôn nhạy bén với thị trường và mong muốn mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, năm 2018, anh lên ý tưởng xây dựng xưởng cơ khí để tiếp tục thực hiện ước mơ làm giàu. Tuy nhiên, việc đầu tư cần một nguồn vốn tương đối lớn, một lần nữa, anh lại tìm đến tổ chức Đoàn để tháo gỡ rào cản về vốn. Được vay 300 triệu đồng (với lãi suất 0,55%/tháng, thời hạn 3 năm) từ nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn (vốn Chương trình 120), cộng với số vốn tích lũy được, anh mạnh dạn mở cơ sở cơ khí sắt mỹ nghệ tại địa phương. Cơ sở hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, sản xuất và thi công các mặt hàng về sắt mỹ nghệ, như: Cầu thang, cửa, bàn ghế, đồ trang trí...
Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng cơ sở cơ khí sắt mỹ nghệ đã đem đến cho anh những thành công bước đầu. Mỗi tháng, cơ sở nhận hàng trăm đơn đặt hàng từ nhiều nơi. Anh Long cho biết: “Những ngày này, khối lượng công việc càng nhiều do khách đặt hàng để phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán. Chúng tôi đang gấp rút làm việc cả ngày lẫn đêm. Tôi cảm thấy may mắn vì trên mỗi bước đường lập nghiệp đều có sự đồng hành của tổ chức Đoàn”. Hiện, cơ sở cơ khí sắt mỹ nghệ của anh không chỉ tạo nguồn thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 ĐVTN trong xã, với mức lương trung bình 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Cũng được Đoàn “tiếp sức”, đầu tháng 7-2018, 35 hộ ĐVTN thuộc diện nghèo, cận nghèo tại 2 xã Minh Tiến và Phú Cường (Đại Từ) được Tỉnh đoàn lựa chọn để triển khai dự án Nhân rộng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Mỹ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị chè khô. Mục tiêu của dự án là từng bước xây dựng mô hình kinh tế tập thể phát triển sản xuất chè theo hướng hữu cơ, phát huy thế mạnh của địa phương. Theo đó, Tỉnh đoàn đã hỗ trợ trực tiếp các gia đình hệ thống tưới cây tự động, các chế phẩm sinh học Cleaner 203, Humic của Mỹ… trên diện tích 2,5ha. Đồng thời, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, cách sử dụng các chế phẩm sinh học, phương pháp canh tác chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho các đối tượng tham gia dự án. Trong đó, tập trung vào việc áp dụng phương pháp cải tạo đất và chăm sóc cây, hướng tới cây chè sạch, kết hợp cùng kỹ thuật sao sấy truyền thống để cho hương vị tốt, nâng cao giá trị sản phẩm. Anh Ngọc Văn Tư, Bí Thư Đoàn xã Phú Cường cho biết: “Đến nay, các hộ đã thu hoạch được 3 lứa chè kể từ khi tham gia dự án, năng suất và chất lượng cây chè tăng lên đáng kể. Nếu như trước đây giá bán dao động từ 3-400 nghìn đồng/kg chè khô, thì nay đã tăng thêm 70-120 nghìn đồng/kg”.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều ĐVTN nhận được sự tiếp sức của Đoàn. Sự hỗ trợ, đồng hành dưới hình thức nào cũng đã góp phần tạo môi trường, động lực giúp ĐVTN vươn lên lập thân, lập nghiệp. Qua đó khẳng định vai trò tích cực của tổ chức Đoàn trong hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, vươn lên làm giàu chính đáng. Để làm tốt công tác này, các cấp bộ Đoàn đã xác định công tác phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho ĐVTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ ĐVTN trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Theo đó, Tỉnh đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về học tập, nghề nghiệp và việc làm của thanh niên. Từ nhu cầu thực tiễn, Đoàn các cấp phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các kỹ thuật chăm sóc giống, cây trồng, vật nuôi, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tổ chức tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả, xây dựng mô hình các câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương… giúp ĐVTN nâng cao kiến thức, hiểu biết trong sản xuất, phát triển kinh tế. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho ĐVTN được triển khai thường xuyên và đạt được những kết quả tích cực.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 6.600 thanh niên nông thôn; tổ chức hàng trăm hoạt động tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm, thu hút trên 17.500 người tham gia; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương, qua đó kết nối giới thiệu việc làm cho trên 800 ĐVTN... Thông qua nguồn vốn Chương trình 120, Tỉnh đoàn cũng hỗ trợ 74 thanh niên với số vốn hàng tỷ đồng. Anh Ngô Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn nói: “Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn phát huy tốt hơn nữa vai trò đồng hành với thanh niên trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy tinh thần xung kích của ĐVTN trong phát triển kinh tế, tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể liên quan để hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế”.