Thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động thông qua hình thức tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật và trực tiếp can thiệp, trợ giúp pháp lý.
Anh Phạm Minh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp người lao động (Liên đoàn Lao động tỉnh) thông tin: Trung tâm đang lồng ghép dịch vụ huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho các doanh nghiệp với chương trình tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động, Trung tâm tích cực đổi mới phương thức tư vấn, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tư vấn pháp luật cho người lao động, đoàn viên công đoàn với các hoạt động như: Tư vấn trong giải quyết tranh chấp lao động, phối hợp công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức các cuộc tuyên truyền; tư vấn Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế…
Tính riêng trong năm 2018, Trung tâm đã phối hợp tổ chức 50 buổi tuyên truyền, tư vấn cho gần 2.400 người lao động, đoàn viên công đoàn tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào các quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Luật Lao động, chính sách tiền lương… Qua đó, giúp người lao động, đoàn viên công đoàn hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động. Đồng thời thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, đoàn viên của các cấp công đoàn. Bên cạnh đó, thực hiện tư vấn pháp luật trực tiếp tại văn phòng cho 411 lượt người đề nghị tư vấn.
Với các vụ việc cụ thể, Trung tâm đã chủ động kết nối với các sở, ban, ngành liên quan hoặc luật sư để sớm giải quyết vướng mắc cho người lao động, hướng dẫn công đoàn các cấp tham gia hòa giải cơ sở. Trung tâm chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động tại các cơ sở. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về văn bản pháp luật mới liên quan đến chế độ, chính sách của người lao động cho các cấp công đoàn, mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp luật để tuyên truyền đến người lao động.
Thông qua các cuộc đối thoại, trợ giúp pháp lý đã giúp cho người lao động hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời giúp lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ chính sách bảo vệ quyền lợi người lao động. Nhiều người lao động thông qua trợ giúp pháp lý đã giành được quyền lợi chính đáng của mình.
Tuy vậy, nhìn vào thực tế có thể thấy, con số phía trên chỉ là một trong số ít trường hợp nhận được sự hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi trước pháp luật. Tỉnh ta hiện có khoảng 800.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ cũng như mức độ quan tâm đến pháp luật còn hạn chế. Trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật cho người lao động chủ yếu là kiêm nhiệm, đặc biệt là ở các công đoàn cơ sở nên hiệu quả tyên truyền, tư vấn pháp luật còn thấp. Về phía các doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm đến việc tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho người lao động. Vì vậy, để công tác trợ giúp pháp luật cho người lao động thực sự hiệu quả, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho người lao động. Tăng cường phối hợp xây dựng cơ chế khuyến khích người sử dụng lao động đầu tư cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của mô hình sinh hoạt của người lao động liên quan đến nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật…