Bài 2: Vì mình và vì hội viên

10:09, 08/03/2019

Không chỉ làm giàu cho bản thân mình, chị Nguyễn Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Hà Châu (Phú Bình) còn vận động, giúp đỡ nhiều hội viên phụ nữ chuyển đổi phát triển kinh tế, vươn lên làm chủ cuộc sống. Chị cũng là cán bộ tích cực tham gia công tác Hội LHPN xã với nhiều hoạt động thiết thục giúp đỡ chị em.

Chúng tôi dễ dàng tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Vinh (sinh năm 1982), xóm Đông, xã Hà Châu (Phú Bình), bởi chị vừa là cán bộ Hội Phụ nữ xã vừa có tiếng làm kinh tế giỏi. Chị Vinh với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn đang sắp xếp các bao đựng áo sơ mi, đồng phục học sinh ở xưởng may gần nhà để chuẩn bị giao đến các trường học, công ty...

Qua câu chuyện, được biết: Hè năm 2009, sau khi học nghề may tại Trung tâm Dạy nghề tỉnh, chị Vinh đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, mua 5 máy may và 2 máy vắt sổ mở cơ sở may tại nhà. Chị nhận thêm 4 phụ nữ ở xóm để dạy và làm thợ may tại xưởng. Đầu năm 2010, lô hàng gia công đầu tiên trên 1.000 sản phẩm cho Công ty Sehan (T.P Thái Nguyên) và Công ty Đại Thành (Bắc Giang) được xuất xưởng thành công. Thời điểm đó, chị thu về gần 20 triệu đồng, ngoài trả tiền cho nhân công, chị dành dụm được khoảng 5 triệu đồng/tháng. Mỗi thợ may được nhận lương từ 2-3 triệu đồng/tháng. Năm 2018, từ số tiền tích góp được chị đầu tư thêm 23 máy may và thuê thêm 8 hội viên vào làm tại xưởng, thu nhập hiện tại của các chị từ 7-8 triệu đồng/người. Xưởng may cũng đã đem lại doanh thu cho chị trên 200 triệu đồng.

Ngoài duy trì việc làm ổn định cho số công nhân trên, chị Vinh còn tổ chức dạy nghề may, giới thiệu việc làm cho hơn 20 hội viên nghèo. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo như chị Tạ Thị Vang (xóm Sỏi), Nguyễn Thị Luyến (xóm Đông)… Nguyễn Thị Vân (xóm Đông) bị tật ở tay, sống đơn thân xúc động: Nhờ được chị Vinh nhận vào dạy may và làm may tại xưởng của chị Vinh mà tôi có thu nhập và cuốc sống ổn định. Nhớ ngày trước, vì tay tôi không cử động được bình thường nên việc học nghề gặp nhiều khó khăn. Chị Vinh vẫn rất kiên trì dạy tôi từng đường may. Đối với các chị em khác, sau khi được học nghề, chị Vinh còn giới thiệu việc làm vào các công ty may hoặc hỗ trợ mở cơ sở cắt may tại nhà…  

Là một trong số những cán bộ tiên phong trong tất cả các phong trào, chị Vinh luôn chủ động trong mọi hoạt động của Hội. Chị tâm sự: Trước kia, tư tưởng trọng nam khinh nữ còn ăn sâu vào suy nghĩ nhiều người dân xã Hà Châu. Họ quan niệm, phụ nữ chỉ cần chăm lo việc đồng áng, chồng con. Tuy nhiên, trong thời buổi hiện đại, tôi thấy phụ nữ phải vượt qua rào cản, định kiến dần khẳng định vai trò của mình trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Với quan điểm “phụ nữ phải có việc làm, có kinh tế mới làm chủ được cuộc sống, cuộc đời mình”, chị và Hội LHPN xã Hà Châu đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, nòng cốt là giúp phụ nữ phát triển kinh tế, nhằm thúc đẩy các chương trình khác của hội phát triển. Ban Chấp hành Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai tới 100% cán bộ, hội viên, chủ động phối hợp mở các lớp dạy nghề, tập huấn và giới thiệu việc làm cho lao động là phụ nữ. Để giúp chị em phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, Hội LHPN xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Asecbank cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Trong đó, riêng Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện đã có 128 hộ được vay vốn với tổng số tiền trên 4,3 tỷ đồng...

Nhờ những hoạt động vận động, hỗ trợ thiết thực của Hội LHPN xã Hà Châu mà nay, nhiều hội viên trong xã đã vươn lên và trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi. Điển hình là chị Nguyễn Thị Linh (xóm Đông) kinh doanh nhà hàng; chị Nguyễn Thị Nguồn (xóm Chảy); chị Tạ Thị Bình (xóm Đồn) kinh doanh nông sản, hoa quả...

Chị Tạ Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Châu, khẳng định: Từ những hoạt động cụ thể, thiết thực và sự đóng góp của chị Nguyễn Thị Vinh nhiều chị em đã thay đổi cách nghĩ, cách làm và phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương. Tính đến nay, số hộ nghèo trong xã do hội viên làm chủ chỉ còn 15 hộ (giảm 10 hộ so với năm 2017). Bằng những đóng góp tích cực của mình, chị Nguyễn Thị Vinh nhiều năm liền được Hội LHPN tỉnh tặng Giấy khen là phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi và có thành tích xuất sắc trong công tác hội.

(Còn nữa)