Xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) có đến 70% dân số là dân tộc Dao. Dù cộng đồng người Dao nơi đây luôn cố gắng giữ gìn nét văn hóa của mình, song với sự phát triển kinh tế- xã hội, giao thoa văn hóa, những nét đẹp truyền thống đó đang có nguy cơ bị mai một. Với suy nghĩ muốn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nhất là trang phục dân tộc, chị Triệu Thị Thủy, 31 tuổi, xóm Mỏ Sắt đã học hỏi các bà, các chị trong xóm để tự tay may những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Sinh ra ở vùng đồng bào dân tộc, từ nhỏ, chị Triệu Thị Thủy đã yêu thích thêu thùa, may vá. Năm 2006, sau khi lấy chồng, chị Thủy xin làm công nhân may tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Chi nhánh may Việt Thái). 3 năm sau đó, chị chuyển ra ngoài làm cho một cơ sở tư nhân với mong muốn may được một bộ quần áo hoàn chỉnh. Khi nắm được các đường nét cơ bản nghề may, chị về mở cơ sở may tại nhà. Vốn có tình yêu với trang phục truyền thống của dân tộc, cộng với sự động viên, dạy bảo của mẹ chồng chị đã quyết tâm tự học may trang phục của người Dao mình.
Trang phục của người Dao ở đây gồm hai loại và thường phục và lễ phục. Bộ thường phục mặc hằng ngày có hai màu chủ đạo là xanh, đen gồm khăn đội đầu, áo, yếm, dây lưng và thường không thêu hoa văn. Chiếc áo lễ phục được mặc trong ngày cưới, lễ cấp sắc, lễ hội thường được cắt khâu, thêu thùa công phu, tỉ mỉ hơn, nẹp áo thêu, cài bằng khuy bạc, dây thắt lưng đính chuỗi hạt màu... Hai ống quần được thêu hoa văn từ đầu gối trở xuống. Trải qua quá trình hội nhập, phát triển, đồng bào dân tộc Dao đã mặc quần áo như dân tộc Kinh để việc sinh hoạt thuận tiện hơn. Nhưng trang phục truyền thống vẫn luôn được các thế hệ sau gìn giữ, tìm đến đặt mua để mặc trong những sự kiện lớn của dân tộc mình.
Chị Thủy tâm sự: Dù đã quen với bộ trang phục Dao, nhưng để bắt tay vào may hoàn thiện thì không dễ chút nào. Việc đi may bên ngoài chỉ giúp chị sử dụng chiếc máy may thành thạo. Còn để may bộ trang phục dân tộc trước tiên chị phải hiểu ý nghĩa của những bộ trang phục đó, sưu tầm các bộ trang phục truyền thống để làm mẫu rồi tự mày mò và nhờ các bà, các chị trong bản hướng dẫn từ những đường cắt cơ bản, đến cách cầm kim, xâu hạt… Mất khoảng 2 tháng, chị Thủy mới biết may một bộ trang trang phục hoàn chỉnh, với các gam màu sặc sỡ và nhiều nét hoa văn truyền thống dân tộc Dao phục vụ người dân. Bà Triệu Thị Chanh, mẹ chồng của chị cho biết: Ngày xưa, thì toàn làm bằng tay, quần áo cũng được khâu bằng tay, tự cắt tự may hết. Thấy con dâu biết dùng máy, tôi động viên con mình may bằng máy sẽ nhanh và đẹp vừa gìn giữ bản sắc dân tộc và trang phục của dân tộc mình.
Theo chị Thủy, may một bộ trang phục khó và lâu nhất là công đoạn thêu, làm viền xâu hạt cườm. Đối với phần thêu, chị sẽ mua lại từ các bà, các chị trong xóm, tự thêu trong những lúc rảnh rỗi, còn công đoạn xâu hạt cườm thì chị phải làm trực tiếp vì vừa xâu vừa may trên máy. Ở Hợp Tiến nói riêng, dân tộc Dao nói chung, phần lớn những người phụ nữ từ 45 tuổi trở lên đều biết may vá, thêu thùa. Song đa số họ là thêu từng bộ phận riêng lẻ rồi mang đến cơ sở may để lắp ghép hoàn thiện. Rất ít người biết sử dụng máy may và may được một bộ đồ hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, người Dao quan niệm chọn thợ may phải đủ cặp (tức là phải có vợ, có chồng) và một bộ đồ khi đặt, phải may trong 1 năm, chứ không để dở dang, qua năm. Vì vậy mà cơ sở của chị luôn có rất nhiều khách từ Võ Nhai, Phú Lương và các xã lân cận trong huyện Đồng Hỷ đến đặt may. Không chỉ khách, đến may, nhiều đoàn khách đến cũng mua đặt mua làm kỷ niệm hoặc để trưng bày tại triển lãm, Bảo tàng. Khi được hỏi, sao chị không kết hợp cả quần áo bình thường (người kinh) và trang phục dân tộc, mở rộng cơ sở để kiếm thêm thu nhập? Chị trả lời: Quần áo thường thì giờ ra chợ có nhiều, vừa rẻ, mẫu mã phong phú có mấy ai còn may, hơn nữa, may một bộ trang phục rất lâu, với những đơn hàng, một mình làm còn chưa kịp cho khách.
Chị Thủy bảo, may trang phục tuy không vất vả nhưng rất tốn thời gian, đòi hỏi kiên trì, tỉ mỉ mới làm được. Trung bình, để may được một bộ đồ hoàn chỉnh phải mất gần nửa tháng. Mỗi bộ có giá khoảng 5 triệu đồng. Mỗi tháng, nếu tập trung chị may được 3 bộ, trừ chi phí, chị thu khoảng 3 triệu đồng/tháng. Nếu chỉ dựa vào may, chị khó để sống được. Vì vậy, hai vợ chồng chị kết hợp bán hàng tạp hóa, làm ruộng, mở xưởng sản xuất tăm tre, tạo việc làm cho từ 7-10 lao động trong làng. Nhưng dạo này ít khách nên 1 tháng nay, anh chị tạm dừng sản xuất. Ở xóm, chị Thủy được biết đến là người phụ nữ trẻ ham học hỏi, năng động trong phát triển kinh tế, nuôi con ăn học, sống hòa nhã với mọi người. Chị yêu những nét văn hóa dân tộc mình và muốn các con của mình cũng vậy. Trong sinh hoạt hằng ngày, chị vẫn nói chuyện với các con bằng tiếng dân tộc, cho con đi theo các thầy làm lễ cấp sắc và dạy con cách may, thêu thùa. Chị là hội viên tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, phong trào thi đua do các cấp Hội Phụ nữ tổ chức.
Bằng đôi bàn tay khéo léo, kiên trì chị Thủy đã làm nên những bộ trang phục của người Dao với biết bao tình cảm, trân trọng. Với việc làm của mình, chị Thủy đang cùng người Dao ở Hợp Tiến từng bước củng cố và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của mình, trở thành một trong những vùng văn hóa Dao tiêu biểu của tỉnh.
Với vai trò, trách nhiệm, tâm huyết của mình qua từng việc làm cụ thể, mỗi một tập thể, cá nhân trong cấp Hội Phụ nữ không chỉ phát huy vai trò “giữ lửa” trong gia đình mà còn khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần vào sự phát triển của tỉnh cũng như thúc đẩy công tác bình đẳng giới ở địa phương.