Bệnh dịch tả lợn châu Phi do vi rút ASF gây ra, hoàn toàn không có khả năng lây bệnh sang người và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Thế nhưng thời gian qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện một số thông tin sai sự thật, khiến nhiều hộ chăn nuôi cũng như người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Trong những ngày qua, khi người chăn nuôi đang lâm vào cảnh lao đao thì trên mạng xã hội có những cá nhân đăng tải thông tin với nội dung bệnh dịch tả lợn châu Phi lây sang người, kêu gọi tẩy chay thịt lợn. Đồng thời, những hình ảnh ghê sợ về thịt lợn nhiễm bệnh, người nhiễm bệnh được chia sẻ chóng mặt trên các diễn đàn. Chỉ vì “câu like”, thiếu hiểu biết, không phân biệt đúng - sai, không ít người cũng hùa theo đám đông một cách vô thức, tẩy chay thịt lợn và kêu gọi tìm mua những loại thịt khác để loại trừ khả năng nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, có công ty còn đưa thông tin giới thiệu đã bào chế thành công thuốc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, nếu ai có nhu cầu sẽ cử nhân viên tư vấn và gửi thuốc tới các trang trại ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam để điều trị, chỉ sau 3-7 ngày là đàn lợn sẽ khỏe mạnh trở lại. Những thông tin này được lan truyền rất nhanh khiến không ít người lo lắng, hoang mang.
Thực tế, cơ quan chức năng đã khẳng định rõ, bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể lây lan nhanh nhưng không lây sang người và hiện chưa có vắc xin phòng, thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi. Những hình ảnh người nhiễm bệnh, thông tin trên mạng xã hội đều sai sự thật và một số trường hợp cố tình lợi dụng đăng tải những thông tin này đã bị xử lý. Cụ thể, đối với vụ việc liên quan đến chủ sở hữu trang facebook "Đầm bầu thời trang Mami" (Hà Nội) đưa thông tin sai sự thật về bệnh dịch tả lợn châu Phi, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có buổi làm việc và xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng với chủ sở hữu trang facebook này (căn cứ theo các quy định trong Nghị định 174/2013/NĐ-CP).
Đối với nhiều người, việc đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật về bệnh dịch tả lợn châu Phi trên mạng xã hội có thể chỉ là một phút thiếu hiểu biết, nhưng những thông tin này khiến người chăn nuôi lợn điêu đứng. Ông Lê Đức Tú, một người chăn nuôi lợn lâu năm ở xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Năm 2017, giá lợn hơi xuống thấp, gia đình tôi đã bị thua lỗ trên 600 triệu đồng. Năm 2018, gia đình tôi chỉ còn nuôi 10 con nái và 80 con lợn bột (giảm 30 con nái và 300 con lợn bột so với năm 2017). Đến thời điểm tháng 5-2018, giá lợn bắt đầu nhích dần lên 50-55 nghìn đồng/kg, được một vài tháng, chúng tôi chưa kịp gỡ lại vốn thì trên đàn lợn của một số hộ dân trong tỉnh bị bệnh lở mồm long móng khiến giá lợn đi xuống. Mới đây lại xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến chúng tôi thấm thỏm từng ngày như ngồi trên đống lửa bởi lợn khó tiêu thụ. Khi nghe có thông tin không đúng sự thật về bệnh dịch tả lợn châu Phi trên mạng xã hội, chúng tôi rất buồn. Chúng tôi chỉ mong mọi người tìm hiểu kỹ, sử dụng thịt lợn bình thường để người chăn nuôi bớt khó khăn.
Làm việc với chúng tôi về việc xử lý những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, bà Bùi Thị Thu Hương, Trưởng phòng Thông tin - Báo Chí - Xuất bản (Sở Thông tin - Truyền thông) cho biết: Thời gian qua, các phòng chức năng của Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xử lý, giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến việc đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Một số chủ tài khoản facebook đã bị xử phạt hàng chục triệu đồng. Đối với những vụ việc có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chúng tôi bàn giao hồ sơ cho cơ quan Công an tiếp tục điều tra, xử lý.
Có thể thấy rằng, những thông tin sai sự thật về bệnh dịch tả lợn châu Phi trên mạng xã hội ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi. Bên cạnh đó, thịt lợn là món ăn quen thuộc của người dân. Việc tẩy chay thịt lợn cũng khiến nhiều gia đình lúng túng khi mua thực phẩm cho bữa cơm hằng ngày. Vì vậy, mọi người hãy cảnh giác với những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, chú ý lựa chọn thịt lợn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho bữa ăn của gia đình.