Những ngày gần đây, thông tin về dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng trên cả nước và mới đây là việc phát hiện ổ dịch tại đàn lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Thạo, xã Úc Kỳ (Phú Bình) đã khiến không ít người tiêu dùng lo lắng. Tuy nhiên, theo thực tế khảo sát của nhóm phóng viên trên địa bàn T.P Thái Nguyên, người dân không "quay lưng" với thịt lợn mà chỉ chú ý hơn tới địa chỉ khi mua để yên tâm khi sử dụng.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 8-3, chúng tôi có mặt tại một số chợ trên địa bàn như: Chợ Thái, Túc Duyên, Tân Long…, tại các quầy thịt lợn, số lượng người ra, vào vẫn khá tấp nập, dù lượng mua có giảm đôi chút so với vài ngày trước. Giá các loại thịt cũng giảm từ 5-10 nghìn đồng/kg, tùy loại và tùy khu vực.
Chị Nguyễn Thị Phượng, một tiểu thương tại khu vực chợ Gia Sàng cho biết: Trung bình mỗi ngày, quầy thịt của tôi bán được khoảng 50-60kg thịt lợn. Thời điểm này, lượng người mua thịt có giảm nhẹ, phần vì hiện giá thịt gà đang khá rẻ nên một số người chuyển sang sử dụng loại thịt này, phần vì người dân biết tới dịch tả lợn châu Phi nên cũng có phần hạn chế mua hơn.
Còn chị Hoàng Lan Phương, tiểu thương tại chợ Tân Long thì cho hay: Từ khi có tin dịch tả lợn châu Phi, sức mua giảm rõ rệt, lượng thịt tiêu thụ của cửa hàng bị giảm 1/3. Nếu như cách đây khoảng 10 ngày, trung bình mỗi ngày, tôi bán được khoảng 150-170kg thịt các loại, thì nay chỉ bán được khoảng 60kg/ngày. Cùng với đó, giá bán cũng giảm đi trung bình 5 nghìn đồng/kg. Đơn cử như thịt mông sấn, ba chỉ trước kia là 85 nghìn đồng/kg thì nay chỉ còn 80 nghìn đồng/kg; thịt thăn từ 90 nghìn đồng, giảm còn 85 nghìn đồng/kg… Tôi cho rằng, đây cũng là điều dễ hiểu vì cho dù loại bệnh này không lây sang người, nhưng về mặt tâm lý, nhiều người cũng sẽ cảm thấy mất ngon khi sử dụng. Vì vậy, tôi mong muốn các ngành chức năng nhanh chóng dập tắt, đẩy lùi dịch bệnh để những tiểu thương như chúng tôi buôn bán ổn định, còn người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn, sử dụng thịt lợn trong các bữa ăn hàng ngày.
Trong khi thông tin về dịch bệnh đang ảnh hưởng không nhỏ tới việc bán hàng của các tiểu thương tại các chợ và điểm bán lẻ thịt lợn thì đối với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn, đây lại là dịp tiêu thụ mạnh loại mặt hàng này. Điều đó thể hiện ở sức mua tăng, giá cả bình ổn. Bà Trần Thị Hương, Quản lý Siêu thị Minh Cầu cho biết: Thông tin về dịch bệnh không tác động lớn tới lượng tiêu thụ thịt tại siêu thị, thậm chí lượng tiêu thụ mặt hàng thịt lợn còn tăng 30% so với trước. Khoảng 1 tuần nay, trung bình mỗi ngày tại 2 cơ sở, chúng tôi xuất bán trên 1 tạ thịt lợn an toàn, giá bán ổn định từ đầu năm đến nay.
Cụ thể: Thịt vai có giá 88 nghìn đồng/kg, ba chỉ 89 nghìn đồng/kg, sườn là 95 nghìn đồng/kg, nạc vai có giá 93 nghìn đồng/kg… Sản phẩm luôn tươi mới hàng ngày, có đầy đủ thông tin kiểm định, kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… là cơ sở để chúng tôi chiếm được niềm tin, cảm tình của khách hàng.
Gặp chúng tôi khi đang lựa chọn thực phẩm tại Cửa hàng thực phẩm Việt Cường, ở phường Quang Trung, chị Đinh Thị Anh, xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng, cho biết: Trước đây, tôi hay mua thịt lợn ở gần nhà, trên đường Z115. Tuy nhiên, từ khi biết ở một số tỉnh gần Thái Nguyên có dịch tả lợn châu Phi nên để yên tâm sử dụng, tôi chuyển sang mua tại các cửa hàng thực phẩm sạch, an toàn hoặc siêu thị, địa điểm bán hàng có uy tín. Thịt lợn là một trong những loại thực phẩm thiết yếu trong mỗi bữa ăn, hơn nữa, tôi được biết là dịch tả lợn không lây sang người nên gia đình tôi vẫn sử dụng bình thường, quan trọng nhất là phải nấu chín kỹ, không ăn thịt chế biến tái hay còn sống...
Giải pháp của chị Đinh Thị Anh, Tạ Thị Thủy cũng là lời khuyên của các chuyên gia, lực lượng chức năng đối với người tiêu dùng trong thời điểm này, khi dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, để hạn chế sự phát tán, lây lan của bệnh dịch thì cần thiết sự chung tay, phối hợp của nhiều cá nhân, tổ chức. Theo đó, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp cũng như lực lượng chức năng, sự phối hợp chặt chẽ của người chăn nuôi, thì các nhà sản xuất, kinh doanh và phân phối thịt lợn cần phải nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, không vì lợi nhuận mà buôn bán các loại thịt lợn hay sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ hay nghi bị nhiễm dịch bệnh.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về phòng trừ dịch bệnh cũng như cách lựa chọn thực phẩm an toàn, không mua thịt lợn tại các vùng nằm trong ổ dịch.…
Một số khuyến cáo của các chuyên gia về an toàn thực phẩm tới người tiêu dùng về việc tiêu thụ thịt lợn, cụ thể: - Nấu chín thịt lợn trước khi ăn; - Không tới thăm khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng; - Khi thấy lợn chết, báo ngay cho cán bộ thú y xã hoặc chính quyền địa phương; - Chỉ nên mua thịt có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường. Tuyệt đối không mua thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc đã mắc bệnh… |