Công tác nhân đạo ở Phú Lương

09:55, 05/04/2019

Phát huy vai trò nòng cốt và là cầu nối trong các hoạt động nhân đạo, những năm qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Phú Lương đã tích cực xây dựng và triển khai nhiều hoạt động, mô hình xã hội nhân đạo thiết thực. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế có cuộc sống tốt hơn.

Dọc theo con đường ngõ xóm gập gềnh sỏi đá, chúng tôi tới căn nhà của bà Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1934) tại tiểu khu Giang Bình, thị trấn Giang Tiên. Hiện bà sống một mình trong căn nhà cấp 4 mới được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ sửa chữa lại khang trang từ nếp nhà cũ đã xuống cấp. Bà Cúc chia sẻ: Tôi sinh được 7 người con nhưng 4 người đã qua đời do nhiễm độc than và căn bệnh ung thư, những người con còn lại cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tôi tuổi đã cao, không còn đủ sức khoẻ lao động nên chủ yếu sống dựa vào nguồn trợ cấp với mức 270 nghìn đồng/tháng đối với người cao tuổi. Tuy nhiên, do thường xuyên ốm đau, phải mua thuốc chữa bệnh nên số tiền hỗ trợ cũng không đủ cho tôi chi tiêu hằng ngày. May mắn tha khi vài năm gần đây, mỗi tháng tôi nhận được hỗ trợ 10kg gạo của Hội CTĐ huyện và xã. Nhờ đó, tôi đã bớt được một phần gánh nặng trong cuộc sống.

Được biết, bà Cúc là một trong rất nhiều địa chỉ cụ thể của huyện Phú Lương được hỗ trợ từ Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Đây cũng là một trong những mô hình nhân đạo đang được triển khai hiệu quả, tạo sức lan toả lớn của Hội CTĐ huyện Phú Lương trong vài năm gần đây. Theo cuộc vận động này, Hội CTĐ chính là “cầu nối” kêu gọi các cá nhân, tổ chức hỗ trợ gạo hoặc tiền mặt cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn ít nhất trong 12 tháng. Riêng năm 2018, Hội đã vận động được 33 tập thể, cá nhân hỗ trợ tiền, gạo cho 73 đối tượng nghèo có hoàn cảnh khó khăn (tăng 42 đối tượng so với năm 2015), với tổng trị giá là 156 triệu đồng.

Bên cạnh đó, những năm qua, Hội CTĐ huyện cũng đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình nhân đạo, thu hút hội viên và cộng đồng tham gia như: Hỗ trợ xây nhà CTĐ; bếp ăn tình thương; hiến máu nhân đạo; câu lạc bộ liên gia CTĐ… Ví dụ như năm 2018, mô hình bếp ăn tình thương đã hỗ trợ được hơn 1.000 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng; phối hợp với các ban, ngành, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà nhân đạo cho 8 hộ gia đình với tổng số tiền trên 290 triệu đồng; tuyên truyền, vận động được đông đảo cán bộ công chức, người dân hiến trên 800 đơn vị máu (đạt 200,5% chỉ tiêu tỉnh giao)…

Bà Hà Thị Thời, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Phú Lương cho biết: Để triển khai tốt các phong trào, mô hình nhân đạo, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ cụ thể ở từng hoạt động tới cấp hội cơ sở. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát cũng được nâng cao. Theo đó, cán bộ Hội cấp huyện sẽ trực tiếp xuống các xã, thị trấn theo lịch trình hoặc đột xuất để đôn đốc, giải quyết vướng mắc của hội cấp xã trong việc triển khai hoạt động cũng như công tác phối hợp với chính quyền địa phương; hướng dẫn cách tuyên truyền, thu hút sự tham gia của hội viên tại xóm, bản… Nhờ vậy, cán bộ, hội viên sẽ nâng cao được ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện công tác hội, từ đó, góp phần xây dựng các phong trào mạnh từ cơ sở.

Để các hoạt động nhân đạo đem lại ý nghĩa thiết thực, hướng đến đúng đối tượng và hoàn cảnh, hàng năm, Hội CTĐ huyện đều chỉ đạo hội CTĐ các xã lập danh sách, thường xuyên rà soát các cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và cử cán bộ hội đến kiểm tra thực tế. Ngoài ra, để tăng cường thêm nguồn lực hỗ trợ trong việc thực hiện các hoạt động nhân đạo, Hội CTĐ huyện cũng phối hợp với một số phòng, ban chuyên môn của huyện như Phòng Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động huyện… các đơn vị sẽ kêu gọi cán bộ, nhân viên cùng chung tay quyên góp, nhờ đó mức hỗ trợ sẽ cao hơn. Hay trong cuộc vận động “Mỗi tập thể, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Hội cũng phối hợp với Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện (nay là Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thông) tuyên truyền trên các cụm loa để kêu gọi sự giúp đỡ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm…

Trong thời gian tới, để hướng tới mục tiêu xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thực sự đóng vai trò nòng cốt, cầu nối trong công tác nhân đạo, bà Hà Thị Thời cho hay: Trước tiên, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tập huấn để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội; tiếp đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về các phong trào, mô hình nhân đạo đang hoạt động hiệu quả. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều mô hình nhân đạo mới để thu hút thêm nguồn hỗ trợ từ cộng đồng tới nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa.