Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng

14:00, 24/05/2019

Thực tế cho thấy, chúng ta không thể loại trừ được thiên tai mà chỉ tìm cách hạn chế và đưa ra các biện pháp thích ứng để giảm nhẹ thiện hại. Muốn hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, cần thiết phải đề cao vai trò của cộng đồng. Mỗi người dân phải luôn có ý thức được rằng, để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và mọi người cần phải có hành động cụ thể...

Những năm gần đây, tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu ở nước ta được xem là vấn đề cấp bách, đặc biệt khi những tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ra những thiệt hại nặng nề cả về con người và kinh tế. Theo thống kê, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm khoảng 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng từ 1-1,5% GDP. Ngoài ra, thiên tai cũng gây ra những hệ lụy lâu dài đối với môi trường, tác động lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Với Thái Nguyên, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2019 (chưa vào mùa mưa lũ), trên địa bàn đã chịu ảnh hưởng của 4 đợt thiên tai, chủ yếu là mưa, mưa đá, dông lốc, sét ở các địa phương, trong đó chủ yếu xảy ra tại một số huyện miền núi, vùng cao như: Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ. Các đợt thiên tai đã làm 7 người bị thương, trên 3.700 ngôi nhà và 22 điểm trường bị ảnh hưởng, nhiều diện tích hoa màu, chuồng trại, ao cá bị tác động, ước tính tổng thiệt hại trên 55 tỷ đồng.

Không phải ngẫu nhiên mà Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm nay (từ 15 đến 25/5) lại có chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”. Vì thực tế cho thấy, những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra chủ yếu bởi phương án phòng, chống, ứng phó tại cơ sở và trong cộng đồng còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng người dân chủ quan, xem nhẹ tác động tiêu cực từ thiên nhiên. Nhiều trường hợp dù đã được cảnh báo trước nhưng vẫn chủ quan không làm theo hướng dẫn khiến hậu quả khôn lường. Đó có thể là trường hợp làm nhà ở giáp bờ sông, suối, nơi nhiều nguy cơ bị lũ ống, lũ quét; là trường hợp làm nhà dưới các vị trí dễ bị sạt lở, đá lăn; là trường hợp chủ quan khi đi qua cầu tràn, đập nước trong mùa mưa lũ… Đặc biệt, nhiều nơi người dân còn thờ ơ, lúng túng, thiếu chủ động khi tham gia phương án 4 tại chỗ mỗi khi có tình huống xấu xảy ra. Do vậy, rất cần tính chủ động, ý thức cảnh giác cao của cộng đồng để ứng phó với thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại.

Để hỗ trợ, nâng cao nhận thức người dân trong phòng, chống thiên tai, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động rất cần các cơ chế chính sách, đầu tư hạ tầng, thiết bị cần thiết. Đặc biệt, phải thường xuyên tập huấn phương án phòng, chống thiên tai, cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai đến các tầng lớp nhân dân; bố trí phương tiện, vật tư phòng, chống thiên tai để người dân chủ động ứng phó. Tại buổi phát động Tuần lễ Quốc gia phòng chồng thiên vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Cần có chính sách cụ thể thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống thiên tai, nhất là trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, đầu tư xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ công và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất. Đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa nước... Đầu tư hiện đại hoá, tự động hóa hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm.

Theo cơ quan Dự báo khí tượng, thủy văn Thái Nguyên, mùa mưa năm nay, nhiều khả năng trên sông Cầu sẽ có từ 9 đến 10 trận lũ; tiếp tục có các trận mưa lớn cục bộ, dễ xảy ra lốc, mưa đá, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các địa phương. Do vậy, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai phải là nhiệm vụ hàng đầu không chỉ đối với chính quyền cấp tỉnh, các địa phương mà với cả cộng đồng, từng người dân.