Sẵn sàng ứng phó với thiên tai

08:24, 22/05/2019

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng có những diễn biến bất thường, thiên tai xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại nghiêm trọng tới tài sản và đời sống, sản xuất của bà con. Để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân, bước vào mùa mưa bão năm nay, tỉnh ta đã và đang triển khai đồng bộ các phương án nhằm sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

Năm 2018, do ảnh hưởng của thiên tai, trên địa bàn tỉnh đã có 3 người chết, 5 người bị thương. Về sản xuất nông nghiệp, có trên 464ha lúa, 128ha cây hàng năm, 24ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Ước tính tổng thiệt hại về tài sản trên 20,7 tỷ đồng. Còn từ đầu năm đến nay, thiên tai cũng đã gây ra thiệt hại về tài sản khoảng 55,7 tỷ đồng.

Năm 2019, thời tiết được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Để chủ động phòng, chống và ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN), phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; đôn đốc, kiểm tra các ngành, địa phương lập và thực hiện các phương án, kế hoạch về công tác phòng, chống thiên tai.

Anh Nguyễn Văn Hưng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Trong mùa mưa bão, chúng tôi phân công cán bộ trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để kịp thời thông tin diễn biến tình hình mưa lũ, báo cáo lãnh đạo tỉnh để có phương án chỉ đạo ứng phó kịp thời. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh phương án PCTT-TKCN năm 2019 để đảm bảo nâng cao chất lượng, sát với thực tế của mỗi địa phương, theo từng loại thiên tai và từng cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Ban, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Trước mùa mưa lũ năm nay, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương kiểm tra, phát hiện những hư hỏng, có biện pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời các công trình đê điều, thủy lợi (riêng năm 2018, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí gần 360 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương, đơn vị để sửa chữa, xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, phục vụ sản xuất). Cùng với đó, triển khai các phương án bảo vệ đê điều, hồ, đập; phòng tránh mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đá, đặc biệt là đối với các công trình đang thi công.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, Võ Nhai là huyện vùng cao, địa hình phức tạp với hệ thống sông, suối dày đặc nên khi mưa bão thường hay xảy ra lũ ống, lũ quét, gây chia cắt cục bộ. Vì vậy, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện đã tích cực chuẩn bị phương án “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để chủ động đối phó với những tình huống xấu do thiên tai gây ra. Đặc biệt, huyện cũng yêu cầu các địa phương phải đảm bảo liên lạc thông suốt 24/24 giờ trong những ngày có mưa bão và có sự liên kết, phối hợp ứng cứu kịp thời.

Còn đối với huyện Định Hóa, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn có khu dân cư nằm trong phạm vi sạt lở đất do mưa, lũ quét, lũ ống gây ra, xây dựng phương án sơ tán kịp thời và cảnh báo cho nhân dân mức độ nguy hiểm. Cùng với đó, chủ động kiểm tra các đập tràn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm và bố trí lực lượng tuần tra, canh gác tại các cầu tràn, ngầm tràn khi thấy mực nước dâng cao.

Đến thời điểm này, tỉnh đã chuẩn bị dự phòng một số lượng lớn vật tư, phương tiện gồm: Phao cứu sinh, bạt dứa, dây thừng, quần áo mưa, cuốc, xẻng, đèn pin, xe rùa, rọ thép, đá hộc... để chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão. Ngoài ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện có; diễn tập cứu hộ, ứng cứu sập đổ công trình và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn trọng điểm để nâng cao năng lực cho các lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách nhằm sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Có thể thấy, để giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại do thiên tai, ngoài sự nỗ lực triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó của các cấp, ngành thì việc chủ động ứng phó của người dân cũng đóng vai trò quan trọng. Trong mùa mưa bão, bà con cần chú ý theo dõi diễn biến thời tiết, có biện pháp tu sửa, chằng chống nhà cửa, chủ động trong sản xuất, sinh hoạt để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.