Từ trung tuần tháng 4-2019 trở lại đây, tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh bắt đầu có chiều hướng phát sinh mạnh. Mặc dù trước đó, các cấp, ngành chức năng và người dân các địa phương đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp phòng, chống và dập dịch nhưng đến nay dịch vẫn lan rộng ra 9/9 huyện, thành, thị trong tỉnh. Vậy nguyên nhân do đâu?
Dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện tại tỉnh ta từ đầu tháng 3-2019. Ban đầu chỉ là những ổ dịch nhỏ lẻ ở các xã Úc Kỳ, Tân Khánh (Phú Bình) và Đông Cao (T.X Phổ Yên). Ngay sau khi dịch xảy ra, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng lan rộng. Đến đầu tháng 5, dịch đã lây lan và bùng phát tại 9/9 huyện, thành, thị trong tỉnh, khiến các hộ chăn nuôi lợn hoang mang, lo lắng.
Giữa “tâm bão” dịch tả lợn châu Phi, khi đi khảo sát thực tế tại một số chợ lớn trên địa bàn T.P Thái Nguyên (như: Chợ Thái, Đồng Quang, Túc Duyên…), chúng tôi nhận thấy các tiểu thương kinh doanh thịt lợn vẫn vô tư bày bán hàng mà chẳng có bất cứ sự kiểm tra, kiểm soát nào của lực lượng chức năng. Khó ai có thể nắm rõ những miếng thịt lợn tươi rói được bày trên phản có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu và liệu chúng có bảo đảm an toàn hay không. Khi được hỏi về nguồn gốc thịt lợn đang bày bán, chị Nguyễn Thị Hạnh, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở đường Bến Oánh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Nhà tôi thường tìm đến các hộ dân mua lợn rồi bảo họ đun nước và giết thịt tại chỗ, sau đó chở đem ra chợ bán chứ không qua khâu trung gian nào hết.
Từ thực tế có thể thấy, tình trạng buôn bán, giết mổ động vật nhỏ lẻ, tự phát không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan khó kiểm soát.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi còn có nhiều nguyên nhân (cả chủ quan lẫn khách quan) khiến tình hình dịch bệnh ngày càng lây lan, bùng phát mạnh. Trước hết, theo Luật Thú y (năm 2015) đã bãi bỏ quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng cán bộ thú y không có quyền kiểm dịch lợn sống, thịt lợn đang vận chuyển trong phạm vi tỉnh hoặc thành phố trực thuộc. Do vậy nên việc kiểm soát, truy suất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật cũng gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, công tác phát hiện lợn bệnh, lợn chết thời gian qua chưa kịp thời, việc xử lý lợn chết ở một số địa phương chưa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật, chưa kịp thời, triệt để sau 24 giờ theo quy định. Vẫn còn tình trạng người dân tự ý chữa bệnh, đến khi không khỏi thì mới báo cán bộ thú y.
Bên cạnh những yếu tố chủ quan, công tác dập dịch tả lợn châu Phi cũng đã và đang nảy sinh nhiều bất cập. Theo quy định, lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải do cán bộ thú y kiểm tra, xác định. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi xã chỉ có từ 1-2 nhân viên thú y nên không thể kiểm tra, xác minh kịp thời. Mặt khác, hiện nay, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại xen lẫn khu dân cư nên có rất nhiều yếu tố làm lan truyền mầm bệnh nhanh như chuột, gián và các loại côn trùng khác.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT: Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, phạm vi rộng là do đường lây truyền của vi-rút gây bệnh rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt. Mặt khác, hiện nay, công tác tổ chức tiêm phòng vắc-xin đợt 1-2019 trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai kịp thời vụ do đang có dịch bệnh và thủ tục cấp kinh phí mua vắc-xin chậm. Đây cũng là nguy cơ cao khiến đàn lợn dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: Dịch tả lợn cổ điển, tai xanh, tụ huyết trùng… làm cho tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn.
Do bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay chưa có thuốc chữa, chưa có vắc-xin phòng bệnh nên nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh trong thời gian tới là rất cao. Nhiều địa phương đã công bố hết dịch nhưng dịch lại xuất hiện trở lại. Nhằm ngăn chặn triệt để khả năng lây lan dịch bệnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo nghiêm cấm việc vứt bỏ xác lợn chết ra ngoài môi trường, đặc biệt là ao hồ, sông suối. Đồng thời, yêu cầu chính quyền địa phương tổ chức thu gom, vớt xác gia súc trôi nổi ở kênh mương, đập tràn để xử lý tiêu hủy theo quy định, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Đối với lực lượng cán bộ thú y, công an, các ngành chức năng phối hợp tăng cường giám sát dịch bệnh tới hộ chăn nuôi, cơ sở thu gom, buôn bán, giết mổ động vật. Yêu cầu các hộ chăn nuôi báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương khi phát hiện lợn có biểu hiện bệnh (sốt, bỏ ăn); không tự ý chữa trị, mổ khám, bán chạy và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Trước tình hình dịch bệnh phát sinh mạnh, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương tổ chức phát động tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc thường xuyên ở cấp độ cao vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, cấp 24.322 lít hóa chất để phục vụ công tác dập dịch. Các địa phương cũng đã chủ động mua hóa chất, vôi bột cấp cho các hộ chăn nuôi để sát trùng, tiêu độc chuồng trại, lối đi lại. Hiện, toàn tỉnh đã thành lập 55 chốt kiểm dịch động vật tạm thời.
Cùng với sự vào cuộc tích cục của ngành chức năng và chính quyền địa phương, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, thời điểm này, các hộ chăn nuôi cũng cần phải kiên trì thực hiện các biện pháp phòng dịch, tránh tư tưởng lơ là, chủ quan.
Tính đến ngày 17-5, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 94 hộ chăn nuôi lợn ở 70 xóm thuộc 57 xã của 9 huyện, thành, thị trong tỉnh, với số lợn mắc bệnh và nghi mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là trên 12.7000 con. |