Nam Hòa là xã đặc biệt khó khăn nên năm 2011 khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM), địa phương luôn xác định cần nỗ lực hơn các địa phương khác trên địa bàn huyện để về đích theo đúng kế hoạch (vào năm 2020). Nhưng với sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân trong xã, hết năm 2018, Nam Hòa đã hoàn thành được 19/19 tiêu chí - Cán đích sớm hơn 2 năm.
Đồng chí Trần Gia Cát, Bí thư Đảng ủy xã Nam Hòa cho biết: Ngay từ khi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM, khâu đầu tiên chúng tôi xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền về mục tiêu của Chương trình để người dân có tư tưởng mới, dẫn tới hành động mới thì mới có kết quả mới. Nhờ đó, cuối năm 2018, Nam Hòa đã đạt được 19/19 tiêu chí, về đích sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết của Đảng ủy đề ra . Đời sống của người dân đã đổi thay rõ nét, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 31 triệu đồng/người/năm (năm 2011 tỷ lệ này là 9,5 triệu đồng/người/năm); giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 40,5% (năm 2011) xuống còn 11,3% (năm 2018).
Để đạt được kết quả trên, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Nam Hòa đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của bà con nhân dân với phương châm tiêu chí nào dễ thực hiện trước, khó thực hiện sau và lấy tiêu chí thu nhập làm nòng cốt để thực hiện. Cũng theo đồng chí Trần Gia Cát, mục tiêu của NTM là nhằm nâng cao đời sống cho người dân ở vùng nông thôn, do vậy, song song với việc thực hiện các tiêu chí, xã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể như: Tạo việc làm mới cho những lao động nhàn rỗi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả kinh tế cao; nâng cao chất lượng sản phẩm chè...
Với lợi thế có nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn (Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên, Doanh nghiệp Anh Thắng, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư TNG, Công ty TNHH Sam Sung điện tử Việt Nam Thái Nguyên...), xã Nam Hòa đã phối hợp với các công ty nhằm giới thiệu lao động, tạo việc làm cho người dân.
Theo thống kê, hiện nay, các doanh nghiệp này đã giải quyết việc làm cho trên dưới 700 lao động của địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, địa phương đã phối hợp với các phòng chức năng của huyện triển khai các mô hình giảm nghèo nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã. Đơn cử như mô hình chăn nuôi gà sinh học với quy mô 2.000 con ở xóm Ngòi Trẹo với 6 hộ dân tham gia; trồng rau an toàn với quy mô 5ha tại xóm Đồng Chốc, Quang Trung; nuôi gà ta lò ở xóm La Quán;....
Chị Phạm Thị Nhâm, hộ nghèo của xóm Ngòi Trẹo tham gia mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức cho biết: Gia đình tôi đang chăn 300 con gà ta theo quy trình an toàn. Chăn nuôi theo mô hình này, gà nhanh lớn, chất lượng thịt đảm bảo, hơn nữa lại an toàn cho môi trường sống. Hiện nay, sau 3 tháng, gà đã đạt từ 2,5 đến 3kg/con. Nếu bán hết, gia đình cũng thu được khoảng 80 triệu đồng, trừ các chi phí lãi khoảng 50 triệu đồng.
Khi đời sống của người dân được nâng lên, việc vận động bà con trên địa bàn xã đóng góp tiền của, hiến đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng đơn giản hơn. Nhờ đó, diện mạo nông thôn mới của Nam Hòa ngày càng thay đổi rõ nét. Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, bà con nhân dân trên địa bàn xã đã đóng góp đối ứng trên 32 tỷ đồng, hiến hơn 10ha đất các loại để xây dựng 64km đường bê tông (góp phần đưa tổng số ki lô mét giao thông toàn xã đã làm được là 80km), gần 4.500m kênh mương, 4 công trình trường học; xây mới và nâng cấp 17 nhà văn hóa; nâng cấp trạm y tế; xây đình chợ mới và nâng cấp chợ Quang Trung. Bên cạnh đó, các tiêu chí khác như: Văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, nhà ở dân cư,... cũng được xã quan tâm thực hiện.
Riêng về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm - một trong những tiêu chí không cần nhiều vốn đầu tư song được địa phương đánh giá là khó thực hiện bởi để đạt và giữ vững tiêu chí đòi hỏi người dân phải nâng cao ý thức, thay đổi hành động. Để đạt được tiêu chí này, Nam Hòa đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể của xã, như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân... cùng vào cuộc thực hiện. Theo đó, mỗi tổ chức hội, đoàn thể xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện, nếu vi phạm sẽ đánh giá vào thi đua của từng đơn vị. Hay như tiêu chí nhà ở dân cư, từ năm 2012 đến nay, toàn xã đã xóa được 20 nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay, trên địa bàn không còn nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ có nhà đạt tiêu chuẩn trên 75%.
Đồng chí Trần Gia Cát cho biết thêm: Để đạt được các tiêu chí đã khó nhưng giữ vững tiêu chí lại càng khó hơn, do đó, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu từng bước hoàn thiện được các tiêu chí của xóm, xã nông thôn mới kiểu mẫu.