Cần có trách nhiệm với bản thân và xã hội

10:38, 11/06/2019

Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2019 đã kết thúc với nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của người tiêu dùng đã có những chuyển biến mạnh mẽ, từng bước thay đổi hành vi, chủ động từ chối thực phẩm không an toàn để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Nhưng không phải tất cả đã “sạch”, bởi thực phẩm mất an toàn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn chưa được giám sát chặt chẽ, chưa bị lên án từ chính cộng đồng.

Tháng hành động vì sự an toàn thực phẩm băm 2019 được bắt đầu từ ngày 15-4 đến 15-5. Đây là hoạt động thường xuyên hàng năm được tổ chức vào lúc giao mùa và cũng là thời điểm các hoạt động sản xuất, kinh doanh tập trung phục vụ kế hoạch kinh doanh cho chu kỳ một năm mới từ nùa Hạ đến đến hết mùa Xuân năm tiếp theo. Tháng hành động mang nhiều ý nghĩa truyền thông về nâng cao nhận thức trong xã hội về an toàn thực phẩm (ATTP). Đồng thời cũng là dịp để rà soát lại quy trình hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh… bảo đảm đúng quy định pháp luật về ATTP. Thông điệp của năm 2019 được đưa ra với chủ đề: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Như vậy có thể thấy rất rõ tính thực thi pháp luật về ATTP đã được đề cao khi quyền lợi của người tiêu dùng, trong đó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, môi trường và giống nòi được nêu ra ngay từ chủ đề của tháng hành động.

Nhìn lại kết quả thực hiện tháng hành động từ khâu thanh kiểm tra, giám sát có thể thấy những số liệu “biết nói” đã phản ánh rõ bức tranh về ATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Trong tháng, Ban Chỉ đạo liên ngành đã thực hiện 301 đoàn thanh, kiểm tra, trong đó có 109 đoàn thực hiện nhiệm vụ tuyến tỉnh và 192 đoàn thực hiện tại tuyến xã. Trong số trên 13 nghìn cơ sở thực phẩm trên toàn tỉnh, có 3.575 cơ sở được thanh, kiểm tra. Kết quả có 2.928 cơ sở đạt yêu cầu (gần 82%). Vậy hơn 18% những vi phạm ấy là gì, có nguy hại không? Theo tổng hợp các vi phạm từ cơ quan chức năng cho thấy, những vi phạm cụ thể như: Điều kiện trang thiết bị dụng cụ sử dụng trong chế biến, chứa đựng không đạt yêu cầu có 153 cơ sở vi phạm; điều kiện về con người không phù hợp, chưa bảo đảm cả về sức khỏe theo quy định của Y tế, hoặc một người làm nhiều việc trong khâu chế biến, sản xuất, vận chuyển... có 135 cơ sở vi phạm; chất lượng sản phẩm không đạt có 29 cơ sở vi phạm; hàng hóa hết hạn sử dụng vẫn cho kinh doanh, đưa vào chế biến... có 29 cơ sở vi phạm; vi phạm kinh doanh không đúng sản phẩm được cấp phép có 41 cơ sở. Tổng số mẫu được lấy là 1.469 mẫu, xét nghiệm nhanh các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh vật, số mẫu không đạt là 332 (chiếm 22,6%).

Qua công tác thanh, kiểm tra, cơ quan chuyên môn liên ngành cũng đã xử phạt các vi phạm hành chính, thu và nộp ngân sách Nhà nước là trên 176 triệu đồng ; 472 cơ sở vi phạm đã được các cơ quan chức năng trực tiếp hướng dẫn các quy trình thực hiện quy định về ATTP, đồng thời cảnh cáo có sự chứng kiến của chính quyền địa phương sở tại. Đặc biệt, trong khâu kiểm soát hoạt động lưu thông, kinh doanh, cơ quan công an cũng phát hiện và xử lý 8 vụ vi phạm ATTP, trong đó đã tiêu hủy 15 tấn nội tạng động vật, chân gà dạng đang phân hủy chuẩn bị giao cho các cơ sở chế biến, kinh doanh…  

So với cùng kỳ năm 2018, các cơ quan liên ngành đã thực hiện thanh, kiểm tra tăng 86% số đơn vị, cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm hành chính về ATTP giảm 9,5%, tổng số tiền xử phạt giảm 84%. Đây là tín hiệu đáng mừng vì đã có những chuyển biến tích cực trong việc chấp hành quy định ATTP của các cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chưa có vụ việc cụ thể nào bắt đầu từ đường dây nóng, hay thông tin phát giác, tố giác từ quần chúng nhân dân. Rõ ràng các cơ sở vi phạm đều nằm ngay tại các khu dân cư và không ít cơ sở trực tiếp cung cấp, kinh doanh thực phẩm có vi phạm trong thời gian qua cho người dân ngay tại nơi chủ cơ sở, hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh đang cư trú. Và hầu như các vi phạm chỉ được phát hiện khi cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, ngay đối với thực phẩm, hàng hóa hết hạn sử dụng người tiêu dùng vẫn thờ ơ, ít quan tâm và thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình. Đây cũng là một trong những “lỗ hổng” trong việc nâng cao trách nhiệm xã hội về bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cộng đồng từ những hành vi gây mất ATTP.