Ngày 24-6, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh đã đến kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Định Hóa.
Theo báo cáo của UBND huyện, tính đến thời điểm hiện tại, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 22/24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện (còn 2 xã chưa xuất hiện dịch là Điềm Mặc và Tân Thịnh). Tổng số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc tiêu hủy là 5.827 con với tổng trọng lượng trên 335 tấn (chiếm 11% tổng đàn lợn của huyện). Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian qua, huyện Định Hóa đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống tới các xã, thị trấn như: Thành lập Đội kiểm tra liên ngành lưu động; Tổ thực hiện kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn huyện và các chốt kiểm dịch động vật tạm thời… Ngoài ra, huyện đã tiếp nhận 4.950 lít hóa chất, mua 125 tấn vôi bột và bố trí nguồn kinh phí trên 700 triệu đồng để cấp cho các xã, thị trấn thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Mặc dù UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai công tác phòng, chống dịch tại các địa phương đang gặp một số khó khăn, tồn tại khiến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện có chiều hướng diễn biến phức tạp. Số lượng lợn bị mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu hủy ngày càng tăng. Tại một số địa phương vẫn còn tình trạng chậm chễ trong phát hiện, khai báo dịch bệnh; công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chưa được thực hiện đồng bộ; việc kiểm soát vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn trong vùng dịch thiếu chặt chẽ. Ngoài ra, việc kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch của một số thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật từ huyện đến xã chưa thường xuyên, kịp thời…
Trước tình hình trên, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh đã yêu cầu huyện Định Hóa cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các biện pháp chống, dịch như: Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh, khoanh vùng bao vây ổ dịch, tiêu hủy kịp thời, triệt để lợn mắc bệnh; điều tra rà soát tổng đàn lợn hiện còn; tập trung thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng cấp độ cao khu vực có dịch nhất là đàn lợn nái, đực giống; quản lý chặt chẽ vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn ở những vùng có dịch. Bên cạnh đó, huyện cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch và dập dịch...