Vì đau ốm, bệnh tật, thiếu sức lao động, thiếu vốn đầu tư, không có kinh nghiệm sản xuất nên còn một số ít gia đình cựu chiến binh (CCB) xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên phải sống nghèo. Và trong lúc khó khăn nhất, tổ chức Hội CCB, trực tiếp là các hội viên đã gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ để hội viên nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội CCB xã tâm đắc: Ở mặt trận xóa đói giảm nghèo, chúng tôi đã luôn phát huy tính tiền phong gương mẫu trước nhân dân. Trực tiếp là việc quan tâm, giúp đỡ gia đình hội viên phát triển kinh tế. Hiện toàn Hội có 450 hội viên, 15 chi hội. Số gia đình hội viên đạt thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên có hơn 20 hộ, còn lại bình quân đạt thu nhập dưới 45 triệu đồng/năm. Trong 5 năm gần đây, xã có có 7 gia đình hội viên CCB thoát nghèo, không phát sinh gia đình hội viên nghèo và tái nghèo.
Chuyện xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, cụ Nguyễn Văn Lệ, gần 80 tuổi, chi hội CCB xóm Soi Mít ví von: Trong chiến đấu, danh giới của sự sống và cái chết là gang tấc, còn trong đời thường, danh giới để “định dạng” hộ nghèo, tái nghèo mỏng như sợi chỉ, hạ xuống một chút về mức thu nhập là trở thành hộ nghèo, hộ tái nghèo… Câu chuyện cụ Lệ dành cho chúng tôi giản dị, nhưng sâu sắc, vì thực tế có hội viên CCB tần tảo mùa vụ, nhưng chỉ một năm thời tiết không thuận hòa, mùa màng thất bát, hoặc nông sản mất giá là trở thành hộ nghèo. Cũng vì thế mà trong phong trào xóa giảm hộ nghèo, Hội CCB xã Phúc Trìu nêu quyết tâm xóa giảm nghèo bền vững, phấn đấu không để gia đình hội viên tái nghèo.
Ông Vũ Văn Sơn, Chi hội trưởng CCB xóm Soi Mít chia sẻ: Sau thời gian phục vụ trong quân đội, trở về địa phương, đội ngũ CCB chúng tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ là gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, hăng hái giúp đỡ đồng đội và người dân. Để đạt được kết quả xóa giảm nghèo như mong muốn, Hội CCB đã xây dựng tập thể đoàn kết, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt lên khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.
Điển hình như gia đình CCB Mạc Thanh Hải, chi hội xóm Soi Mít. Với diện tích đất rộng hơn 7.200m2, ông Hải đầu tư trồng chè theo quy trình ViệtGAP, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Ông Hải chia sẻ: Do đầu tư chăm sóc chè theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên chè của gia đình tôi phát triển tốt, mỗi lứa thu hái hơn 1.500kg chè búp tươi, sao sấy được hơn 300kg chè khô. Toàn bộ chè của gia đình được tư thương vào tận nhà mua với giá bình quân 200.000 đồng/kg. Mỗi lứa chè gia đình tôi thu được 60 triệu đồng. 1 năm 8 lứa thu hái, đạt gần 500 triệu đồng/năm.
Bí quyết xóa giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của hội viên CCB xã Phúc Trìu là đức tính cần cù, chịu đầu tư, sản xuất có kế hoạch và sản xuất đúng quy trình kỹ thuật như hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Từ năm 2014 đến hết năm 2018, toàn Hội có hơn 400 lượt hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kỹ năng sử dụng vốn vay hiệu quả và đến các xã lân cận tham quan mô hình kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Thông qua đó hội viên CCB được nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến chè, trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp an toàn và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Sáng tạo, cần cù, năng động trong phát triển kinh tế hộ ở Hội CCB xã Phúc Trìu phải kể đến gia đình CCB Đỗ Công Hùng, chi hội xóm Phúc Tiến; gia đình CCB Nguyễn Văn Nhờ, chi hội xóm Cây De… 2 hộ này vừa trồng chè vừa làm dịch vụ thu mua chè tươi về sao sấy, chế biến, trung bình đạt từ 50 đến 70kg/chè búp khô/ngày… Mỗi hội viên CCB có một cách làm giàu khác nhau, như gia đình CCB Nguyễn Văn Thăng, chi hội xóm Rừng Chùa, tuy sống giữa đất chè nhưng ông lại chọn cách làm giàu bằng nghề chế biến lâm sản. Ông đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng 1.000m2 nhà xưởng, mua máy chế biến gỗ, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho 5 lao động địa phương. Từ 3 năm gần đây, trừ chi phí đầu tư và trả lương công nhân, gia đình ông còn có lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Để chủ động về vốn đầu tư phát triển sản xuất, các chi hội tích cực xây dựng chân quỹ, tạo vốn phát triển sản xuất tại chỗ cho hội viên. Hiện chân quỹ toàn Hội đạt trung bình 800.000đồng/hội viên. Điển hình chân quỹ của các chi hội: Rừng Chùa; Đồng Nội; Phúc Thuần; Hồng Phúc; Phúc Tiến; Soi Mít đạt từ 1 triệu đồng đến 1,2 triệu đồng/hội viên. Toàn bộ tiền chân quỹ được ưu tiên cho gia đình hội viên gặp khó khăn vay đầu tư sản xuất. Để tiền chân quỹ được sử dụng đúng mục đích, từng chi hội hướng dẫn hội viên cam kết vay vốn đầu tư vào 1 công việc cụ thể. Đại diện chi hội đến nhà kiểm tra, thấy có “dự án phát triển sản xuất” mới quyết định xuất tiền quỹ. Đặc biệt là các CCB làm kinh tế giỏi được chi hội giao nhiệm vụ giúp đỡ gia đình hội viên nghèo kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm đầu tư vốn phát triển kinh tế gia đình. Ông Thanh cho biết thêm: Trong sản xuất, hội viên CCB giúp nhau hàng trăm triệu đồng vốn vay không tính lãi/năm, song không ai kể ra, vì đó là tình cảm của những người từng một thời được rèn luyện trong quân ngũ. Ở cuộc sống đời thường, chúng tôi vẫn là đồng đội, cùng hướng đến mục đích không còn hội viên nghèo, và đã thoát nghèo thì không để tái nghèo.