Xâm hại tình dục trẻ em là hành vi phạm tội nghiêm trọng, cần phải lên án, trừng trị thích đáng, đòi hỏi cả xã hội và mọi người dân cùng cộng đồng trách nhiệm ngăn chặn, cảnh giác, đề phòng, đồng thời dũng cảm lên tiếng để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.
Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang có nguy cơ trở thành một vấn nạn xã hội khi thời gian gần đây số vụ việc bị phát hiện liên tục gia tăng với hành vi gây án ngày càng táo tợn, nghiêm trọng. Chưa kể, đối tượng gây án còn có cả những người có học thức, trình độ, vị trí, thậm chí là người thân quen, gây phẫn nộ trong dư luận.
Tội phạm xâm hại tình dục có thể xảy ra với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi lúc, mọi nơi. Nguy hiểm hơn, hành vi phạm tội cũng ngày càng đa dạng với nhiều biểu hiện rất khó đoán biết nhằm “lách luật”, thí dụ như: Dẫn dụ nạn nhân, làm quen, tán tỉnh qua mạng, tặng quà rồi yêu cầu gặp mặt… Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cũng ngày càng manh động, coi thường pháp luật; đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ở cả những nơi công cộng, dễ bị phát hiện như công viên, trong thang máy các chung cư, thậm chí ngay tại nhà nạn nhân.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, cả nước có 1.547 vụ xâm hại trẻ em. Đây là con số thực sự đáng báo động, nhưng nhiều ý kiến cho rằng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đáng ngại hơn nữa là các tội “hiếp dâm trẻ em”, “giao cấu với trẻ em”, “dâm ô với trẻ em” chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số vụ xâm hại trẻ em. Các vụ án xâm hại trẻ em xảy ra nhiều nhất tại hai thành phố lớn là Hà Nội với 88 vụ; T.P Hồ Chí Minh: 77 vụ; tiếp đó là Đắk Lắk 52 vụ, Tây Ninh 51 vụ, Đồng Nai 46 vụ...
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn từ các cơ quan chức năng, nhưng tới nay tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn đang là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Độ tuổi trẻ bị xâm hại cũng ngày càng nhỏ hơn. Nếu trước đây, trẻ bị xâm hại thường từ 13 tuổi đến 18 tuổi, thì nay xuất hiện rất nhiều vụ việc mà nạn nhân chỉ từ 5 tuổi đến 13 tuổi. Thậm chí, có trường hợp trẻ còn nhỏ dưới 5 tuổi. Mới đây, tại T.P Hồ Chí Minh, một bé gái 9 tuổi đang chơi trong công viên bị tên Lương Tuấn B. (28 tuổi, ở phường 6, quận 5) dụ dỗ rồi hiếp dâm; đầu tháng 4-2019, một cựu công chức cư trú tại Đà Nẵng có hành vi dâm ô bé gái ngay trong thang máy một chung cư tại quận 4, T.P Hồ Chí Minh. Trước đó, tháng 12-2018, hiệu trưởng một trường phổ thông dân tộc nội trú ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi dâm ô với nhiều học sinh nam; tháng 6-2018, một bé gái 10 tuổi tố giác bị cha ruột lạm dụng tình dục trong một thời gian dài đã gây rung động dư luận...
Theo thống kê, hiện nay, mỗi trẻ em Việt Nam hiện có khoảng 20 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quan tâm giúp đỡ, bảo vệ. Nhưng trên thực tế thời gian qua vẫn còn không ít vụ xâm hại trẻ em xảy ra gây phẫn nộ dư luận xã hội chưa được giải quyết hoặc vì lý do nào đó mà chưa được đem ra ánh sáng. Bên cạnh lỗ hổng về mặt luật pháp, rào cản văn hóa cũng đang là một trong những yếu tố khiến xâm hại tình dục trẻ em chưa được nhìn nhận đúng mức. Vẫn còn không ít nạn nhân vì ngại ngùng, xấu hổ mà không dám lên tiếng. Vẫn còn có gia đình dù phát hiện sự việc nhưng thay vì đưa ra ánh sáng lại đã bỏ qua vì sợ điều tiếng, sợ ảnh hưởng đến tương lai của con mình. Thậm chí, có bậc phụ huynh còn quở trách con em mình nặng nề khiến vết thương tâm lý càng hằn sâu. Chưa kể, sự kỳ thị của những người xung quanh đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục cũng là áp lực không nhỏ, khiến nhiều em, nhiều gia đình chọn cách im lặng thay vì lên tiếng...
Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, vô đạo đức mà còn gây ra nỗi đau về mặt thể chất cùng những tổn thương nghiêm trọng, lâu dài về cả thể xác và tinh thần cho nạn nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự trong lành và phát triển bền vững của xã hội. Những kẻ xâm hại tình dục trẻ em nhất thiết phải bị trừng trị nghiêm khắc. Để làm được điều này, ngoài việc sớm hoàn chỉnh, bổ sung các quy định, chế tài phù hợp trong các văn bản pháp luật, việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, bảo đảm mọi hành vi xâm hại trẻ em nói chung cũng như xâm hại tình dục trẻ em nói riêng đều được phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm khắc. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, trong đó đặc biệt quan trọng là nhận thức của chính các em, các bậc phụ huynh về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, về nguy cơ xâm hại tình dục để nâng cao ý thức cảnh giác, biết nhận diện khi gặp đối tượng khả nghi.
Một số kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em được các chuyên gia giáo dục hàng đầu khuyên cha mẹ và nhà trường nên trang bị cho trẻ: 1- Trò chuyện sớm với con về các bộ phận trong cơ thể. 2- Không cho phép người khác được nhìn thấy bộ phận riêng tư, chạm vào cơ thể. 3- Không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác. 4- Không được giữ bí mật nếu bị xâm hại. 5- Cách thoát khỏi những tình huống nguy hiểm. |