Theo đánh giá chuyên môn thì quy hoạch điều chỉnh 3 loại rừng năm 2013 của tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai. Tuy nhiên, quy hoạch này cũng bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân gắn với rừng, khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng của các cấp, ngành liên quan. Trong bài viết này, chúng tôi nêu thực trạng tại huyện vùng cao Võ Nhai, địa phương trọng điểm về rừng, chiếm trên 1/3 diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh.
Xóm Tân Lập, xã Sảng Mộc có hàng nghìn héc ta đất lâm nghiệp nhưng diện tích rừng sản xuất chỉ khoảng 40ha, còn lại là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Ông Bàn Kim Quý, Trưởng xóm nói: Quy hoạch rừng hiện tại có nhiều bất cập, ví dụ như một số diện tích trước đây là rừng sản xuất, thậm chí là cả đất canh tác, đất ở của bà con cũng bị quy hoạch thành rừng phòng hộ. Việc thiếu đất trồng rừng, thiếu đất canh tác nông nghiệp và giao thông khó khăn khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, xóm hiện còn tới 61/69 hộ nghèo. Chúng tôi rất mong Nhà nước sớm điều chỉnh quy hoạch để tăng diện tích đất rừng sản xuất.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri từ xã đến huyện ở Võ Nhai, người dân đã nhiều lần đề nghị các cấp, ngành chức năng điều chỉnh quy hoạch rừng. Theo quy hoạch 3 loại rừng năm 2013 của tỉnh, diện tích đất lâm nghiệp của huyện Võ Nhai là 62.700ha, trong đó rừng sản xuất có gần 25.000ha. Đáng nói là không ít diện tích đất ở, đất canh tác từ lâu đời, đất rừng sản xuất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người dân được quy hoạch thành đất rừng phòng hộ, thậm chí là rừng đặc dụng. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý và hạn chế quyền sử dụng đất của người dân (đối với đất ở), không phát huy được tiềm năng đất lâm nghiệp, bởi nếu không phải đất rừng sản xuất thì người dân không thể chủ động trồng và khai thác rừng.
Nhiều hộ dân có cuộc sống gắn với rừng nhưng lại thiếu đất trồng rừng nên cuộc sống gặp khó khăn, có trường hợp đã cố tình phát dọn rừng tự nhiên phòng hộ để trồng cây, tạo ra những khó khăn, áp lực cho các cấp, ngành liên quan trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Vụ việc như người dân phá rừng phòng hộ ở xóm Nà Châu, xã Nghinh Tường hay mới đây là ở xóm Khe Rịa, xã Vũ Chấn là những minh chứng. Ông Triệu Tiến Hiện, Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn phân trần: Do tư vấn thiết kế và quy hoạch không sát thực tế nên có những diện tích đất ở, đất canh tác nông nghiệp hoặc trước đây là đất rừng sản xuất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân nay bị quy hoạch thành rừng phòng hộ, nhưng người dân vẫn còn giấy chứng nhận. Tháng 4 vừa qua, 2 hộ dân tại xóm Khe Rịa đã phát dọn trên 11ha đất để trồng rừng, phần lớn số diện tích này trước năm 2013 là đất rừng sản xuất đã cấp cho họ, nay theo quy hoạch lại là rừng phòng hộ. Từ những bất cập này, xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề nghị điều chỉnh 426ha từ đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất và đất khác (toàn xã Vũ Chấn có 7.766ha đất lâm nghiệp).
Cũng như xã Vũ Chấn, các địa phương khác thuộc huyện Võ Nhai căn cứ vào thực tế và thực hiện chỉ đạo của huyện đã tiến hành rà soát, đề nghị điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Theo ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai, toàn huyện đề nghị điều chỉnh 3.672ha đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất hoặc đất ngoài lâm nghiệp; đề nghị điều chỉnh 371,17ha đất rừng đặc dụng thành rừng sản xuất; từ rừng sản xuất thành đất ngoài lâm nghiệp 442ha; đất ngoài lâm nghiệp thành đất rừng sản xuất trên 3.400ha. Các xã có diện tích rừng lớn và đề nghị điều chỉnh nhiều nhất là Sảng Mộc, Nghinh Tường, Vũ Chấn...
Những bất cập, tồn tại của quy hoạch 3 loại rừng tại huyện Võ Nhai cũng là thực trạng chung của các huyện, thành, thị còn lại trong tỉnh. Nguyên nhân chính là do các đơn vị tư vấn lập quy hoạch đã tiến hành quy hoạch bao và không xác định chi tiết các loại đất tại những địa bàn có sự đan xen, khi lập quy hoạch không xem xét kỹ, không rà soát đầy đủ. Điều này dẫn đến thực trạng trong quy hoạch là rừng đặc dụng hoặc phòng hộ nhưng lại có cả đất ở, đất canh tác lâu đời của người dân. Những bất cập về quy hoạch như vậy cũng có trách nhiệm không nhỏ của chính quyền cấp xã.
Từ những bất cập, hạn chế đó và thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc điều chỉnh rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất, năm 2017-2018, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành rà soát, đề nghị điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Đến cuối năm 2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiến hành thẩm định, tổng hợp báo cáo, đề nghị tỉnh điều chỉnh quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa. Về nguyên nhân, ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trước đây, việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Nhưng theo quy định mới sẽ không còn quy hoạch 3 loại rừng nữa mà là Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia do Bộ Nông nghiệp và PTTN thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ thông qua. Theo quy định này, UBND tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo Rà soát quy hoạch rừng tiến hành rà soát lại, thống nhất với các địa phương, sau đó báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT để tích hợp vào Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia.
Rõ ràng, những bất cập, tồn tại trong quy hoạch 3 loại rừng của huyện Võ Nhai nói riêng và của cả tỉnh nói chung là khá phổ biến và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân. Điều này cần các cấp, ngành liên quan tích cực vào cuộc giải quyết, sớm hiện thực hóa một quy hoạch phù hợp hơn để người dân miền núi, vùng cao yên tâm sinh sống, gắn bó và phát huy tốt tiềm năng đất rừng.