Nơi từng là “đại bản doanh” của lâm tặc

09:36, 17/06/2019

  Ký sự của Trần Quyền Lân Xá, lân Đất Đỏ là các khoảng đất tương đối bằng phẳng hiếm hoi trên những dãy núi cao giữa đại ngàn tại vùng lõi rừng đặc dụng thuộc xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường (Võ Nhai). Khu vực này giáp ranh với tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Lạng Sơn, từng được lâm tặc chọn làm “đại bản doanh” nên trở thành điểm nóng về nạn khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép cách đây 6-7 năm. Nay tình hình đã yên ắng hơn nhiều.

Một góc Lân Xá

Từ trung tâm xã Nghinh Tường, đi xe máy được chừng 7km chúng tôi phải gửi lại để cuốc bộ lên núi. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Nghinh Tường (thuộc Hạt Kiểm lâm Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng), anh Hà Mậu Hiệp bảo nếu thời tiết đẹp, tay lái cứng thì có thể “bò” xe máy lên được nhưng xe phải khỏe, phanh thật tốt, phải “độ” nhông xích và tháo bỏ yếm. Nói chung là trừ dân bản địa thì hiếm người dám mạo hiểm đi xe máy lên núi.

Ngay những bước đi bộ đầu tiên, chúng tôi đã gặp con dốc cao tức ngực, leo một đoạn đã muốn nghỉ, thở hắt ra. Càng lên cao, dốc núi càng quanh co, hun hút. Hai bên đường, cây rừng ken dầy đặc, hàng trăm loài thực vật từ nhỏ như các dây leo, cây bụi đến nứa, vầu, chuối rừng và những cây thân gỗ lớn như lim vang, xoan nhừ, phay… cùng cộng sinh hoặc cạnh tranh không gian sinh tồn tạo nên hệ sinh thái đa dạng. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một vài cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ từ lâu vẫn nằm đó hoặc đã được xẻ thành ván mang ra khỏi rừng, một số cây đã bị mục. Vì lợi nhuận hoặc do nhu cầu dựng nhà ở, có người vẫn lén lút vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, dù ai cũng biết như vậy là vi phạm pháp luật. Những người có trách nhiệm bảo vệ rừng hoặc người dân yêu mến rừng chưa thể yên tâm vì còn thực trạng đó.

Qua hơn hai tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi đến chốt liểm lâm lân Xá - chốt ở xa nhất, vất vả nhất trên địa bàn huyện Võ Nhai. Chốt là một căn lán nhỏ được bưng bằng ván gỗ tạp, tựa lưng vào núi đá, chỉ rộng chừng 15m2 nhưng có thời điểm 5-6 người phải ngủ nghỉ tại đây để bảo vệ rừng. Trong chốt chỉ có những vật dụng thiết yếu nhất cho sinh hoạt, không có điện và cũng không có sóng điện thoại. Vì một đồng nghiệp phải xuống núi có việc nên trực chốt lúc này chỉ có anh Nguyễn Ngọc Toàn, chốt trưởng. Anh Toàn đã làm nhiệm vụ tại đây 10 tháng, trung bình mỗi tuần được xuống núi 1 ngày, khi lên lại cõng theo 1 can nước ăn, gạo, đồ hộp và vài thứ cần thiết. Xa nhà, liên lạc khó khăn, nhiều lúc ở một mình nơi rừng sâu núi thẳm, điều kiện sinh hoạt rất vất vả, phải yêu nghề và nỗ lực rất lớn thì những cán bộ kiểm lâm như anh Toàn mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Cách chốt lân Xá khoảng 10 phút đi bộ là một bình địa nhỏ có những thảm cỏ xanh giống như thảo nguyên, hàng chục con trâu, bò, ngựa của người dân trong xóm thường xuyên được chăn thả tại đây và cũng không mấy khi cần người trông coi. Khu này vốn là nương bãi, bà con đã khai hoang, canh tác từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất cằn thì bỏ hoang và làm bãi chăn thả gia súc, chỉ còn lại vài mảnh ruộng có thể cấy được một vụ lúa. Hiện, trong thung lũng có 2 hộ dân sinh sống, trong đó có một đại gia đình với hơn 10 người thuộc 3 thế hệ. Chúng tôi bước vào ngôi nhà sàn khá vững chãi và được một người đàn bà dân tộc Mông đón tiếp đon đả. Bà là Dương Thị Ban (57 tuổi) quê ở tỉnh Cao Bằng, về làm dâu ở Nghinh Tường rồi theo chồng lên đây khai hoang, sinh sống từ gần 30 năm trước. Thời lâm tặc còn hoành hành trong vùng cách đây 6-7 năm, do thiếu đói nên vợ chồng bà Ban cũng “xin một chân” vác gỗ thuê cho chúng. Phồng chân, vẹo sườn vì vác gỗ nhưng vợ chồng bà cũng chỉ đủ tiền mua gạo ăn bù vào những vụ mất mùa lúa. Bà bảo: “Giờ vẫn còn thiếu ăn đấy nhưng mình không làm thế nữa đâu, khổ lắm, cũng chả còn người thuê với lại làm thế là vi phạm mà”.

Lân Đất Đỏ, nơi lâm tặc từng dựng hàng chục lán trại để khai thác, tập kết gỗ trái phép

Theo lời kể của bà Ban, khoảng 7 năm trước, những đường mòn xuyên qua lân Xá, lân Đất Đỏ sang đất Bắc Kạn, Lạng Sơn là cung đường vận chuyển gỗ quen thuộc của lâm tặc. Chúng phần lớn là người tỉnh khác đến thuê người dân bản địa lên rừng tìm gỗ quý để chặt hạ, xẻ thành ván hoặc thớt rồi vận chuyển ra ngoài. Chúng liên kết với nhau, có tổ chức và lập hẳn lán trại để ở trong rừng…

Thời điểm cách đây khoảng 7 năm như lời bà Ban, có đồng nghiệp của tôi đã theo chân lực lượng liên ngành huyện Võ Nhai lên lân Xá, lân Đất Đỏ trong những đợt truy quét, đẩy đuổi và tiêu hủy lán trại của lâm tặc kể lại: Có khu vực tập trung tới 16 lán trại của lâm tặc. Chúng còn tổ chức đánh bạc và có cả dịch vụ mại dâm trên rừng, có “chim lợn” canh gác nên lực lượng chức năng thường không bắt được các đối tượng vì khi lên đến nơi chúng đã rút đi hết. Khi lực lượng rút về, lâm tặc lại lập lán, rồi lại bị tiêu hủy, bị đẩy đuổi. Tình trạng này lặp đi lặp lại không ít lần và rừng tiếp tục bị “chảy máu”… Vì thế, huyện Võ Nhai đã phải tổ chức lực lượng liên ngành tuần tra, truy quét thường xuyên và lập chốt dã chiến tại lân Xá để kiểm soát tình hình, Hạt Kiểm lâm của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng cũng lập chốt và tăng cường lực lượng lên đây từ năm 2012. Giai đoạn này, một số cán bộ kiểm lâm đã phải kiểm điểm, bị kỷ luật, có năm, Trạm Nghinh Tường phải thay đến 2 trạm trưởng vì không dẹp được nạn lâm tặc.

Anh Hà Mậu Hiệp cho rằng, cái khó của việc bảo vệ rừng trên khu vực lân Xá và lân Đất Đỏ là vùng này giáp ranh với 2 tỉnh bạn, địa hình núi cao hiểm trở nhưng lại có những đường mòn xuyên sang Bắc Kạn, Lạng Sơn. Khi có lực lượng tuần tra, truy quét, các đối tượng rút sang địa bàn giáp ranh rồi chờ thời cơ quay lại. Vì lợi nhuận từ gỗ lậu cao, một số đối tượng manh động sẵn sàng chống trả khi bị bắt giữ. Từ khi lực lượng kiểm lâm và chính quyền vào cuộc quyết liệt, cộng thêm quy chế phối với các địa phương giáp ranh chặt chẽ hơn, tình hình đã yên ắng trở lại. Tuy vậy, anh Hiệp không dám khẳng định tuyệt đối không còn tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ở đây.

Từ lân Xá, chúng tôi tiếp tục đi bộ khoảng 30 phút sang lân Đất Đỏ. Trên lối mòn này xuất hiện vết bánh xe máy có thể của người đi rừng tìm cây thuốc, người đi chăn gia súc hoặc cũng có thể là dấu vết của lâm tặc. Cũng có một vài cây gỗ đã bị hạ từ lâu, kiểm lâm đã lập biên bản và bảo vệ. Lân Đất Đỏ, nơi từng bị lâm tặc san phẳng và dựng hàng chục lán trại nay đã yên ắng, cây cối xanh tốt trở lại...

Rõ ràng so với 6-7 năm trước khi còn là điểm nóng về nạn lâm tặc thì nay rừng ở khu vực lân Xá, lân Đất Đỏ đã yên ắng hơn rất nhiều. Đó là thành quả từ mồ hôi công sức, thậm chí là cả máu của những người có trách nhiệm bảo vệ rừng. Nói rừng đã tạm yên không có nghĩa là không còn nguy cơ bị xâm hại, và thực tế vẫn còn dấu hiệu của lâm tặc tại đây. Những người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, trong đó nòng cốt là lực lượng kiểm lâm cũng giống như người lính trên chiến trường, không thể lơ là mất cảnh giác.