Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mang lại nhiều lợi ích thiết thực

08:58, 24/06/2019

Sau gần 3 năm tổ chức thực hiện Đề án Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn (SHTN) đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Nhiều hộ dân đã có ý thức, thói quen thực hiện phân loại rác thải SHTN nhằm bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Đến thăm gian bếp của một số gia đình thuộc tổ dân phố 26, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) chúng tôi nhận thấy bếp nào cũng khá ngăn nắp, sạch sẽ và đều có 3 thùng chứa rác với 3 màu khác nhau. Bà Bùi Thị Oanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 26, phường Quang Trung, cho biết: Trước đây, chúng tôi thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch đã duy trì bỏ rác đúng nơi quy định, nhưng không phân các loại rác chi tiết như thế này. Từ khi Thành phố triển khai Đề án Phân loại rác thải SHTN thì hội viên phụ nữ của tổ dân phố chúng tôi thực hiện bài bản hơn: Thùng màu xanh đựng rác phân hủy được (rác hữu cơ), màu đỏ chứa rác không đốt được, còn màu trắng đựng rác tái chế được như chai, lọ, lon bia… Để thực hiện tốt việc phân loại này,  chúng tôi thành lập Tổ tự quản để giám sát việc phân loại rác thải SHTN của từng hội viên. Chi hội gồm 60 hội viên, hiện nay đều thực hiện  tốt việc phân loại rác thải SHTN, không những thế Chi hội còn phát động hội viên nhặt phế liệu còn giá trị đem bán, quyên góp tiền phục vụ hoạt động xã hội khác.

Được biết, Đề án Phân loại rác thải SHTN trên địa bàn T.P Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020, năm đầu tiên (2017) được thực hiện thí điểm tại 2 phường: Quang Trung, Hoàng Văn Thụ; năm 2018 được mở rộng thêm 2 đơn vị là phường Phan Đình Phùng và Đồng Quang. Các phường thực hiện thí điểm Đề án được cấp phát thùng rác, túi để người dân thu gom rác thải đúng cách. Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị T.P Thái Nguyên cho biết: Ngoài việc tổ chức thực hiện thí điểm tại 4 phường nêu trên, chúng tôi còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền như cấp phát tài liệu tuyên truyền, tờ rơi, dán pa nô áp phích tại các địa điểm công cộng như nhà văn hóa, trường học… để bà con nhận thức đầy đủ về việc phân loại rác thải SHTN, tiến tới các hộ gia đình trên địa bàn Thành phố đều có ý thức trong việc phân loại rác thải SHTN.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy một số đơn vị triển khai, thực hiện Đề án rất tốt. Điển hình như Hội phụ nữ các phường Quang Trung, Đồng Quang, Phan Đình Phùng đã ký cam kết thực hiện, thành lập và duy trì 133 mô hình chi hội phụ nữ tự quản thực hiện phân loại rác thải SHTN. Tuy nhiên cũng theo bà Thoa, bên cạnh các đơn vị, gia đình thực hiện tốt vẫn còn không ít gia đình, cơ quan, đơn vị chưa tuân thủ việc phân loại rác thải SHTN; bên cạnh đó trong số các hộ thực hiện còn nhiều hộ phân loại chưa đúng cách. Theo kết quả đánh giá của các đoàn khảo sát Đề án phân loại rác thải SHTN tại 4 phường thực hiện thí điểm Đề án vào cuối năm 2018 cũng cho thấy chỉ có khoảng 74% số hộ gia đình (12.848 hộ/17.362 hộ) thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, trong đó tỷ lệ phân loại đúng đạt 42,22%; 64,03% số cơ quan, đơn vị, hộ kinh doanh (616/962 đơn vị) đã thực hiện phân loại rác tại nguồn, tỷ lệ phân loại đúng đạt khoảng 44%.

Nhằm quyết tâm thực hiện Đề án Phân loại rác thải SHTN, hiện nay T.P Thái Nguyên đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo, cụ thể như: Trong năm nay, Thành phố đã thành lập các đoàn phối hợp với Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên hỗ trợ 4 phường đang triển khai thí điểm Đề án trong việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác thải SHTN tại các hộ gia đình. Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc phân loại rác thải SHTN; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường. Trong công tác thi đua, Thành phố xây dựng bảng tiêu chí đánh giá thi đua bổ sung kết quả thực hiện Đề án phân loại rác thải SHTN vào tiêu chí bình xét thi đua các đơn vị phường, xã và bình xét danh hiệu gia đình văn hóa; tổ, xóm; cơ quan văn hóa…

Thực hiện tốt Đề án Phân loại rác thải SHTN sẽ mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường như: Góp phần làm giảm chi phí trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác, giảm diện tích đất chôn lấp rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm cho ngân sách địa phương trong việc thu gom rác thải. Đặc biệt hiện nay mỗi ngày T.P Thái Nguyên có hàng trăm tấn rác thải ra môi trường, trong khi khu vực chôn lấp rác thải rắn trên địa bàn Thành phố với quy mô khoảng 4,55ha đến nay đã gần đạt công suất chứa tối đa, vì vậy việc phân loại rác thải SHTN để cung cấp cho Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài là rất cấp thiết.

Đề án Phân loại rác thải SHTN T.P thái Nguyên gia đoạn 2017-2020 đưa ra mục tiêu: Đến năm 2018, 100% hộ dân và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn 4 phường thực hiện thí điểm Đề án gồm: Quang Trung, Hoàng Văn thụ, Phan Đình Phùng, Đồng Quang tiến hành xong việc phân loại rác thải SHTN. Đến năm 2020: 70 % số hộ dân và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn Thành phố tiến hành xong việc phân loại rác thải SHTN; tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố đạt trên 90%; thu gom rác thải đô thị đạt 100% .