Vừa qua, tại buổi thảo luận ở tổ về Dự án Luật lao động (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình là phù hợp. Tuy nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu, dễ làm mất đi cơ hội việc làm cho thế hệ trẻ.
Theo đại biểu Hòa, qua tìm hiểu hiện nay, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Những sinh viên này học rất giỏi, muốn cống hiến cho xã hội, đặc biệt là làm việc trong những những cơ quan nhà nước. Vì vậy, đại biểu Hòa cho rằng, nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm mất cơ hội cho lực lượng này.
“Mình cần phải xem xét thật kỹ, để tạo điều kiện cho số thanh niên, sinh viên, học sinh ra trường có việc làm. Tôi đồng ý tăng tuổi hưu theo lộ trình, nhưng cần tính toán đối tượng nào được tăng tuổi hưu, và đối tượng nào cần giữ nguyên theo luật hiện hành”- đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Trả lời báo chí về việc tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, việc tính theo phương án 1 là đã cân đối được công việc hiện tại cho giới trẻ, tính được cho người già. Hiện 46% người sau tuổi nghỉ hưu đang đi làm tiếp. Hơn nữa, lực lượng lao động trẻ của nước ta hiện không còn dồi dào. Bởi quan sát ở nhiều khu vực nông thôn, hiện chỉ còn người già và phụ nữ, không còn số thanh niên trẻ ở nông thôn. Bộ trưởng cho rằng, cần phải nhìn nhận hiện Việt Nam đang không phải là đỉnh cao của dân số vàng, mà đang chuyển từ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số.
“Không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế này để làm việc. Chúng ta tính là tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có nghĩa là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau”- Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Mặc dù Bộ LĐTB&XH khẳng định việc tăng tuổi hưu không ảnh hưởng đến việc cán bộ “giữ ghế” do lộ trình tăng chậm và có tính toán tương quan với độ tuổi dân số, song vẫn không ít người cảm thấy băn khoăn về điều này.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thừa nhận, nói tăng tuổi nghỉ hưu không tác động đến độ tuổi quy hoạch là không đúng. Tuy nhiên, theo ông Lợi, tác động này là rất chậm.
“Ví dụ, anh nâng 1 tuổi, tác động ngay 1 năm, nâng 3 tháng thì chỉ tác động 0,4 năm. Sự tác động này chậm hơn có thể đáp ứng được nhu cầu. Như vậy, tăng tuổi nghỉ hưu thì công tác quy hoạch những người giữ chức vụ lãnh đạo sẽ được cộng thêm tương ứng” - ông Lợi cho biết.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, đề xuất tăng tuổi hưu sẽ ít nhiều tác động đến chuyện thay thế đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo. Vì vậy, Chính phủ phải có nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo ông Lợi, nên tiếp tục giữ quy định về việc giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ để giảm căng thẳng trong câu chuyện “giữ ghế”.
“Nam được nâng tuổi hưu từ 62 lên 67 tuổi và nữ từ 60 lên 65 tuổi, tức là được kéo dài thêm 5 năm. Nhưng nếu khi đó, năng lực, khả năng, sức khoẻ, trí tuệ để lãnh đạo…bị hạn chế thì cán bộ ấy cũng không nên giữ vị trí lãnh đạo nữa, chỉ tập trung làm chuyên môn, tạo cơ hội cho lớp trẻ. Người thực sự có tài, cơ quan đơn vị có nhu cầu, đảng có đề xuất, người ta có nguyện vọng thì có thể giữ lại. Đây phải là những trường hợp hết sức đặc biệt, coi là nhân tố trí tuệ cao” - ông Lợi cho biết thêm.
Để làm rõ hơn về điều này, ông Lợi nêu rõ, trong Bộ Chính trị có những người đã 65, 67 tuổi nhưng vẫn cần được giữ lại. Bởi đây là những nhân tố cốt cán của lãnh đạo. Không phải họ thích làm, mà đây là nhu cầu của Đảng, có sự tín nhiệm của nhân dân.
Để ổn định, tránh xáo trộn không cần thiết, ông Lợi cho rằng vẫn khẳng định nên tuân thủ chính sách “giữ chức vụ lãnh đạo không quá hai nhiệm kỳ, những người ở lại kéo thêm sau 5 năm thì chủ yếu làm chuyên môn”./.