Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh

09:08, 24/06/2019

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình…”. Làm thế nào để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh là điều cả xã hội quan tâm. Hướng tới Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Trần Cơ Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xoay quanh nội dung này.

P.V: Là người nhiều năm phụ trách công tác gia đình, ông có điều gì muốn chia sẻ nhân Ngày Gia đình Việt Nam?

Ông Trần Cơ Trường: Gia đình là tế bào của xã hội, môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Mỗi quốc gia, dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình. Xuất phát từ truyền thống quý báu của dân tộc, nhận thức rõ vai trò của gia đình, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về việc lấy ngày 28-6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam.

Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng toàn thể nhân dân có dịp tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp và nhân văn của gia đình, các thành viên thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với ông bà, cha mẹ, ngược lại những người lớn tuổi thể hiện lòng nhân ái, mẫu mực, lắng nghe ý kiến, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các thành viên. Đó cũng là dịp để quan tâm đến nhau, xã hội hướng về gia đình. Và hơn cả là để mỗi người hiểu giá trị của mái ấm gia đình và cùng nhau vun đắp vượt qua sóng gió để xây dựng một gia đình hạnh phúc.

P.V: Ngày Gia đình Việt Nam năm nay có chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, xin ông cho biết nội dung cụ thể sẽ được các cấp, các ngành chức năng sẽ triển khai?

Ông Trần Cơ Trường: Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” và Ngày Gia đình Việt Nam năm 2019. Trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức các hoạt động hưởng ứng và phát động “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” vào khung giờ từ 17-19 giờ, ngày 28/6/2019 với ý nghĩa trân trọng những giây phút sum họp hạnh phúc, đầm ấm bên bữa cơm gia đình.

Hoạt động tuyên truyền được tăng cường nhằm nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, đoàn thể, tổ chức xã hội và tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình, tôn vinh những giá trị nhân văn; vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, kế thừa phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình. Việc tổ chức sum họp, gặp mặt nhằm ôn lại truyền thống nền nếp gia phong là hết sức ý nghĩa, gắn chặt tình cảm các thành viên, từng bước đưa Ngày Gia đình Việt Nam trở thành ngày hội, được lưu truyền tốt đẹp trong mỗi gia đình.

P.V: Nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình hội nhập và phát triển, những giá trị truyền thống văn hóa của gia đình Việt Nam đã và đang có sự thay đổi, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Trần Cơ Trường: Điều này có phần nào đúng. Việc phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong thời đại ngày nay, khắc phục hệ quả tiêu cực do xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là yêu cầu bức thiết. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt, đó là gia đình, làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình”.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa gia đình nói riêng đứng trước những thời cơ và thách thức không nhỏ. Nhiều cái mới được sinh ra nhưng cũng nhiều giá trị cũ mất đi. Gia đình là tế bào cơ sở của xã hội, giữ gìn, phát triển văn hóa gia đình là con đường đúng đắn để bình ổn và phát triển xã hội. Vấn đề đặt ra là xã hội, gia đình và bản thân mỗi người cần có giải pháp cân bằng các mối quan hệ: quyền lợi cá nhân và gia đình, cái lợi trước mắt và lâu dài... Cần phải kết hợp hài hòa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại, biết loại bỏ những yếu tố lỗi thời, giữ lấy những gì là tinh hoa, bản sắc, đồng thời tăng cường giao lưu với quốc tế để tiếp nhận giá trị văn hóa mới. Có như thế mới khắc phục được tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đối với văn hóa gia đình nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung.

P.V: Vậy đâu là những tồn tại cần tháo gỡ trong việc xây dựng gia đình văn hóa giai đoạn hiện nay, thưa ông?

Ông Trần Cơ Trường: Cùng với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng gia đình văn hóa của Thái Nguyên những năm qua đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, việc xây dựng gia đình văn hóa giai đoạn hiện nay gặp không ít thách thức, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Một số giải pháp cần tập trung thực hiện là: Làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong công tác chỉ đạo và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, nhất là giữa ngành văn hóa với các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể trong triển khai thực hiện công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc “Xây dựng gia đình văn hóa” coi đây là cốt lõi của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, các gia đình, cá nhân và cộng đồng về vị trí vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; khuyến khích động viên kịp thời những hạt nhân - gia đình văn hóa tiêu biểu, loại trừ những sản phẩm văn hoá độc hại tác động ảnh hưởng đến gia đình...

P.V: Để Ngày Gia đình Việt Nam ngày càng có ý nghĩa thiết thực và sức lan tỏa, theo ông, các ngành chức năng và mỗi người dân cần làm gì?

Ông Trần Cơ Trường: Công tác gia đình không phải là nhiệm vụ của riêng ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch mà là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, mỗi người, mỗi gia đình.

Để Ngày Gia đình Việt Nam ngày càng có ý nghĩa thiết thực và có sức lan tỏa, bên cạnh nội dung đề cập ở trên, thì vai trò của từng gia đình và các thành viên trong gia đình là hết sức quan trọng và có tính quyết định. Toàn xã hội quan tâm đến công tác xây dựng gia đình, nhưng từng gia đình và các thành viên biết quan tâm đến nhau, sống có trách nhiệm mới là xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

P.V: Xin cảm ơn ông!