Trong chiến tranh, họ cùng sát cánh bên nhau chống lại kẻ thù, góp phần giành lại độc lập, thống nhất cho dân tộc. Hòa bình, bằng tình cảm, sự tri ân và trách nhiệm, Ban Liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 Thái Nguyên đã thực hiện nhiều việc làm thiết thực để đồng hành với đồng đội trong cuộc sống thường nhật.
Một ngày đầu tháng Bảy, căn nhà của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Nam Đàn ở xóm Tân Đức 2, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) trở nên đầm ấm hơn bởi tình cảm của đồng đội. Ông Đàn thương binh mất hai chân, đon đả pha nước mời khách. Trong câu chuyện giữa những người bạn, nhiều kỷ niệm nơi chiến trường được nhắc nhớ.
Nhiều người nói, sự sống sót trở về của ông Đàn giống như truyện cổ tích. Ông sinh ra tại một xóm nghèo của xã Yên Đổ (Phú Lương), lên đường nhập ngũ năm 1974, thuộc Sư đoàn 5 Đông Nam Bộ. Sau khi đất nước thống nhất, ông tiếp tục chiến đấu tại chiến trường Campuchia và bị thương nặng do mìn nổ. Sự nỗ lực của đồng đội và các y, bác sĩ giúp ông Đàn giữ lại được tính mạng, nhưng vĩnh viễn mất đi đôi chân. Năm 1992, Trạm Điều dưỡng nơi ông ở giải thể, gia cảnh lại quá khó khăn nên ông được bà Nguyễn Thị Kim Quy (nguyên là y sĩ của Trạm) nhận về chăm sóc, coi như người em trong gia đình. Khi đó ông chỉ nặng có 21kg, bị cắt 3/4 dạ dày, sức khỏe càng yếu hơn do di chứng của chất độc da cam. “Cuộc sống vật chất giờ phần nào bớt khó khăn so với trước, những người CCB, thương binh như tôi cần nhất là sự động viên tinh thần. Nhiều lúc thèm lắm được gặp đồng đội, ôn lại kỷ niệm của một thời gian khổ, ăn với nhau một bữa cơm đạm bạc.” - Ông Đàn tâm sự. Thấu hiểu điều đó, thành viên Ban Liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 của T.P Thái Nguyên và tỉnh thường xuyên đến thăm hỏi, động viên ông Đàn. Những món quà do hội viên cùng góp lại tuy không lớn về vất chất nhưng chứa đựng giá trị tinh thần rất lớn, giúp ông Đàn thêm lạc quan, vững tin vào cuộc sống.
Ông Ngô Hồng Mưu, Trưởng Ban Liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 Thái Nguyên thông tin: Được thành lập năm 2000, chúng tôi hiện có hơn 200 hội viên tham gia sinh hoạt. Một trong những hoạt thường xuyên của Ban Liên lạc trong thời gian qua là tổ chức thăm hỏi, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Điều kiện kinh tế không cho phép nên hầu hết chúng tôi di chuyển bằng xe máy. Có khi đi tận đến các xóm, xã vùng sâu, vùng xa của huyện Võ Nhai, Định Hóa. Có dịp cùng với các thành viên Ban Liên lạc đến thăm gia đình CCB Nguyễn Văn Kim, ở xóm Tổ, xã Phượng Tiến (Định Hóa) mới thấy hết tình cảm gắn bó của những người lính Cụ Hồ năm xưa. Ông Kim là nạn nhân chất độc da cam, lại mang trong mình chứng viên phổi mạn tính. Biết gia cảnh khó khăn, thành viên Ban Liên lạc đã giúp đỡ toàn bộ kinh phí đưa ông đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên. Vợ ông Kim xúc động: “Không có các anh hỗ trợ, gia đình không biết phải xoay sở ra sao.”
Ngoài ra, Ban Liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 Thái Nguyên còn tích cực vận động nguồn lực xã hội hóa, đóng góp của chính hội viên để xây nhà tình nghĩa cho hội viên khó khăn. Tổng cộng đã có 9 căn nhà được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đi cùng với đó là rất nhiều tình cảm ấm áp của đồng đội. Gia đình thương binh Nguyễn Văn Hóa, ở xóm Hạ Vụ 1, xã Vạn Phái (T.X Phổ Yên) là một trong những trường hợp được giúp đỡ làm nhà. “Số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng đã giúp gia đình tôi hoàn thành sớm căn nhà. Càng trân trọng hơn khi biết bênh cạnh vận động của doanh nghiệp, nhà hảo tâm thì phần nhiều trong đó là tiết kiệm từ đồng lương hưu hay trợ cấp thương binh từ chính đồng đội. Ngoài ra, trong suốt quá trình thi công mọi người cũng thường xuyên đến giúp đào đất, xây móng và làm nền nhà. Tôi có cảm nhận như lại được cùng sát cách với nhau hồi còn ở chiến trường vậy.” - Ông Hóa nói. Còn ông Ngô Hồng Mưu thì chia sẻ với chúng tôi thông tin vui: Trong dịp này, Ban Liên lạc đang tiếp tục vận động để hỗ trợ xây dựng thêm một căn nhà tình nghĩa ở Phổ Yên. Đồng thời đến thăm, tặng một số sổ tiết kiệm cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
“Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội” - đó là phương châm hoạt động của Hội Bạn chiến đấu Sư đoàn 5 Thái Nguyên. Không đơn thuần hỗ trợ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, Ban Liên lạc còn tích cực tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và gương mẫu, đi đầu thực hiện các phong trào đền ơn đáp nghĩa ở địa phương.