Giai đoạn 2008-2018, cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức cai nghiện cho gần 18.000 lượt người. Thực tế cho thấy, công tác cai nghiện vẫn tồn tại nhiều bất cập về chính sách, cơ sở vật chất, kinh phí…
Bất cập đầu tiên là việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là nhiều thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho các cấp, ngành trong quá trình thực hiện. Theo hệ thống văn bản quy định, việc xác định người nghiện ma túy chỉ được thực hiện khi đối tượng tự giác khai báo tình trạng nghiện. Trong khi người nghiện ma túy lại thường che giấu các triệu chứng lâm sàng nên rất khó khăn cho việc nắm tình hình. Riêng đối tượng sử dụng các loại ma túy tổng hợp, trong vòng 3 ngày thường không có biểu hiện lâm sàng gây khó khăn cho quá trình kết luận. Chính vì vậy, trong số hơn 13.000 người tham gia cai nghiện tự nguyện trong giai đoạn 2008-2018, đa số lựa chọn cai nghiện tại cộng đồng.
Bà Trịnh Thị Nguyệt, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: Hiện nay, hầu hết người nghiện tự mua thuốc, tự tổ chức cai nghiện tại nhà mà không có một sự hỗ trợ nào về thuốc, y tế, tâm lý. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2008-2018, toàn tỉnh có trên 9.800 lượt người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, chiếm 55,7% số lượt người cai nghiện ma túy qua các hình thức. Tuy vậy, số lượng người cai nghiện thành công (sau 3 năm không sử dụng ma túy) rất ít.
Đó là về mặt chính sách, còn về mặt cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện cũng tồn tại không ít bất cập. Toàn tỉnh hiện có 7 cơ sở cai nghiện thực hiện tổ chức công tác điều trị, cai nghiện ma túy theo mô hình chuyển đổi (2 cơ sở trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 5 cơ sở trực thuộc cấp huyện quản lý) với quy mô tiếp nhận được từ 1.300 đến 1.500 người/lần chấp hành quyết định. Tuy vậy, chỉ có 2, 3 cơ sở hoạt động hiệu quả còn lại đều chưa hoạt động hết công suất. Đơn cử như Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện tự nguyện huyện Phú Bình từ khi chuyển đổi mô hình vào năm 2012 đến tháng 5-2019 mới điều trị cho 90 người. Lý do là vì cơ sở này chỉ có chỉ có 2 phòng cho bệnh nhân điều trị, một phòng cắt cơn và một phòng bệnh. Vì thiếu cơ sở vật chất, nên đơn vị chỉ điều trị cắt cơn trong thời gian 20 ngày rồi trả người nghiện về cộng đồng. Ngược lại, Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) thường xuyên phải điều trị cho gần 500 bệnh nhân cả bắt buộc và tự nguyện. Bà Hoàng Hữu Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy đề xuất: Hiện nay, mức hỗ trợ tiền điện, nước, vệ sinh đang ở mức 80.000 đồng/người/tháng từ nhiều năm nay, trong khi giá điện, nước đã trải qua nhiều lần tăng giá cũng là vấn đề cần phải tính toán thêm.
Nhằm giảm nhanh tỷ lệ người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định an ninhy trật tự thì việc hoàn thiện chính sách, nâng cấp cơ sở vật chất, giải quyết những bất cập trong công tác cai nghiện là việc làm cần sự quan tâm của các cấp, ngành.