Ngày nay, sử dụng mạng xã hội (MXH) đã trở thành thói quen hằng ngày của đông đảo người dân, nhất là giới trẻ. Ðây là môi trường thuận lợi để mọi người có thể tương tác, chia sẻ tâm tư tình cảm hoặc thể hiện chính kiến của mình cũng như học hỏi lẫn nhau về một vấn đề nào đó. Và sẽ không có gì phải bàn nếu MXH không bị một số đối tượng lợi dụng để phục vụ mục đích thiếu trong sáng.
Ước tính đến nay, cả nước có khoảng 61 triệu người dùng Facebook, song mọi người không chỉ sử dụng Facebook, mà còn sử dụng các MXH khác có xuất xứ từ nước ngoài và trong nước. Khi internet bị lợi dụng để phục vụ cho các mục đích không trong sáng thì trên MXH, nhất là các trang mạng xuất xứ từ nước ngoài (nổi bật là Facebook, Youtube) đã xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực mà phổ biến là tình trạng lợi dụng MXH để vu khống, bôi nhọ tổ chức và cá nhân hay quảng cáo bất hợp pháp, trốn thuế...
Thực tế ở nước ta, tình trạng nêu trên không phải là cá biệt mà đã trở thành vấn nạn trên toàn cầu. Bên cạnh những người sử dụng MXH như nhịp cầu kết nối, giao lưu, tâm sự, kết bạn, chia sẻ, cổ vũ hoạt động hữu ích với cộng đồng hoặc thảo luận vấn đề cùng quan tâm, hiện nay không ít người hàng ngày bị cuốn hút vào MXH để giải trí, đăng tải hình ảnh bản thân, có khi là phát ngôn thiển cận và nông cạn hoặc biến thành đối tượng bị thôi miên, tiếp nhận các tin tức giả vô bổ… Cũng không ít người hằng ngày lên MXH chỉ nhằm mục đích rình mò khai thác loại tin tức gợi tò mò, không thể kiểm chứng; bình luận, đưa ra những giả thuyết giật gân, suy đoán nhằm tạo hội chứng đám đông, đẩy sự việc theo chiều hướng xấu để phục vụ mục đích cá nhân; vô tình tiếp tay phát tán thông tin bịa đặt, làm rối loạn niềm tin của công chúng.
Qua các phương tin thông tin đại chúng, chỉ tính trong thời gian từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng đã phải ra nhiều quyết định xử phạt những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng Facebook. Có thể kể đến như: Một thanh niên ở Nam Sách (Hải Dương) bị phạt 10 triệu đồng vì đưa tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc; một phụ nữ ở Thành phố Ðiện Biên Phủ (Ðiện Biên) bị phạt 7,5 triệu đồng vì xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; một phụ nữ ở Bảo Lộc (Lâm Ðồng) bị phạt 10 triệu đồng vì đưa tin sai về thịt lợn nhiễm sán; một phụ nữ ở Hà Nội bị xử phạt 20 triệu đồng vì tung tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi; bốn người ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã bị xử phạt mỗi người 7,5 triệu đồng vì sử dụng facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ thông tin, bình luận bằng lời lẽ lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm công an địa phương… Ðáng chú ý, trong danh sách cá nhân sử dụng Facebook để đăng tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, làm ảnh hưởng uy tín người khác có cả một số cán bộ, đảng viên đã bị tổ chức có thẩm quyền thi hành kỷ luật và cơ quan chức năng xử phạt. Dù thiếu tỉnh táo, chưa chín chắn, bức xúc, vội vàng, bột phát hay vô ý hoặc vin vào lý do nào thì các đảng viên này cũng có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vi phạm kỷ luật Ðảng.
Trên MXH, các loại tin giả, luận điệu xuyên tạc, đả kích, xúc phạm người khác, tin không kiểm chứng, tin kèm số liệu bịa đặt và hình ảnh cắt ghép, kích động thù hằn... thường hướng tới những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết hoặc thiếu tỉnh táo. Các thế lực thù địch cũng triệt để lợi dụng những đặc điểm này để tiến công vào chế độ và lũng đoạn dư luận xã hội. Nhiều nghiên cứu thực tiễn cho thấy, có khi tin sai sự thật lan truyền nhanh hơn rất nhiều so với tin tức nghiêm túc, bởi trên MXH luôn có một nhóm người thường xuyên tò mò, thích dựng chuyện, khai thác tin xấu, cố tình hiểu sai hoặc cố tình xuyên tạc thông tin.
Khi tin giả đã xuất hiện trên mạng thì khó có thể xóa bỏ, chưa kể còn được chia sẻ, xuất hiện trên dòng thời gian của người dùng, được nhắc lại rất lâu qua đánh giá hằng năm mà Facebook tự động cung cấp cho người dùng. Do đó, mỗi chúng ta hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo khi sử dụng MXH. Khi tiếp xúc với tin tức trên MXH không nên vội vã tán thưởng, chia sẻ bài viết, hình ảnh. Trước khi muốn chuyển tiếp hoặc bình luận, mỗi người cần nhìn nhận, đánh giá chính xác, khách quan, đặc biệt cần kiểm chứng thông tin qua những nguồn khác nhau, bảo đảm thông tin tiếp nhận là đúng sự thật.
Đối với cán bộ, đảng viên, khi tham gia MXH hãy nghiêm túc thực hiện Ðiều lệ và quy định của Ðảng; bản lĩnh, trí tuệ, không để bị cuốn theo cảm xúc của số đông; không phát ngôn cảm tính, không phán xét tùy tiện, không khơi mào ý kiến tiêu cực. Mỗi cán bộ, đảng viên hãy phát huy tính tích cực xã hội, gương mẫu ở mọi lúc, mọi nơi; tự ý thức về trách nhiệm trước Ðảng, trước Nhân dân. Chỉ có như vậy, cán bộ, đảng viên mới có thể góp phần bảo vệ và giữ vững uy tín của Ðảng, Nhà nước cũng như bảo vệ và giữ vững uy tín của chính mình.
Theo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện trên Facebook tồn tại rất nhiều tài khoản cá nhân, nhóm, fanpage đã đăng tải nhiều bài, dòng trạng thái (status) có nội dung vu khống, bịa đặt, chống phá chính quyền, vu cáo cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân; thậm chí nhiều hội nhóm phản động còn lợi dụng Facebook để nói xấu, dựng chuyện, kích động nhằm mục đích chính trị... |