Theo các chuyên gia, trong năm, đây là thời điểm các cơ bão xuất hiện nhiều nhất. Dự báo năm nay, ít nhất có từ 10 đến 12 cơ bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta. Do đó, lúc này công tác cảnh báo, chủ động ứng phó với diễn biến khôn lường của thời tiết luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng.
Rạng sáng qua (4-7), cơn bão số 2 đã đổ bộ từ biển Đông vào đất liền (từ Quảng Ninh đến Nam Định) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của cơn bão, các tỉnh Bắc Trung bộ có mưa lớn, với tổng lượng từ 100-300mm. Thiệt hại ban đầu do bão số 2 gây ra khiến 2 người bị chết, 3 người bị thương. Trung tâm Dự báo khí tượng và thủy văn Trung ương cho biết, các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc bộ và Đông Bắc bộ chịu ảnh hưởng lớn, nhiều nguy cơ sẽ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Dù được nhận định là xuất hiện muộn và ít hơn so với mọi năm, nhưng năm nay cường độ, diễn biến của các cơn bão sẽ phức tạp, nguy hiểm hơn. Còn nhớ cách nay hơn 1 tháng, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức “Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2019” tại Hải Phòng. Tại đây, thông điệp về nâng cao ý thức, phương án phòng, chống bão lũ của cộng đồng được truyền đi rộng rãi, điều đó cho thấy sự chung sức của cả xã hội góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra là một đòi hỏi cấp thiết. Thực tế nhiều năm nay cho thấy, bão lũ đã gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào khu vực miền Trung, các tỉnh ven biển và các địa phương vùng núi. Trung bình mỗi năm thiên tai đã làm khoảng 300 người chết và mất tích.
Do là cao điểm của bão lũ, nên công tác phòng, chống phải được các địa phương đặc biệt quan tâm. Ngoài các địa phương ven biển, trực tiếp hứng chịu các trận bão, các địa phương nằm sâu trong đất liền thuộc các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, trong đó có Thái Nguyên cần chủ động các phương án ứng phó phù hợp.
Thái Nguyên là địa phương có nhiều hồ, đập thủy lợi lớn nên trước mắt phải tăng cường công tác kiểm tra, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi này, nhất là các công trình xung yếu, có biểu hiện mất an toàn hoặc công trình đang thi công. Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng có nhiều sông suối, địa hình phức tạp, độ dốc lớn nên nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất rất cao. Bởi vậy, cần thiết phải có phương án di rời các hộ dân trong vùng nguy hiểm ra vị trí mới an toàn hơn. Đồng thời tăng cường cảnh báo để người dân nâng cao cảnh giác, có phương án phòng, chống linh hoạt theo phương châm “4 tại chỗ”. Mặt khác, với thực tế đô thị hóa cao như hiện nay, tình trạng ngập úng cục bộ cũng xảy ra thường xuyên trên địa bàn, nhất là khi có mưa bão lớn. Vì thế, cần kiểm tra rà soát hệ thống kênh mương, sẵn sàng vận hành hệ thống tiêu úng cả với hạ tầng đô thị và khu vực canh tác. Trên địa bàn cũng có nhiều mỏ và điểm mỏ khai thác khoáng sản, trong đó có cả khai thác hầm lò, nên cần có phương án bảo vệ an toàn khi mưa to, quan tâm đặc biệt khu vực khai thác và vị trí bãi đổ thải, xả thải...
Thực tế những năm qua cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra không ít vụ việc đáng tiếc gây thiệt hại về người và tài sản do hiện tượng lở đất, sạt bãi đổ thải, sập hầm và bị nước lũ cuốn trôi. Do vậy, chủ động phòng, chống và cảnh giác cao độ với thiên tai là điều không bao giờ thừa đối với mỗi người. Trong đợt cao điểm mưa bão này, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội.