Góp phần thay đổi diện mạo vùng khó

09:01, 06/07/2019

Trong 5 năm gần đây, huyện Phứ Lương đã được Nhà nước hỗ trợ gần 50 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; gần 50.000 lượt nhân khẩu được Nhà nước hỗ trợ tiền để ổn định cuộc sống; hơn 5.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ vốn phát triển sản xuất... Nhờ đó, diện mạo nhiều vùng nông thôn còn nhiều khó khăn của huyện đã có sự thay đổi tích cực.

Huyện Phú Lương có 252 xóm, tổ dân phố; 13 xã, 2 thị trấn, với hơn 26.800 hộ dân, trong đó hơn 13.800 hộ dân tộc thiểu số, chiếm 50%. Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tuy cuộc sống của người dân còn chưa hết khó khăn, nhưng đồng bào các dân tộc có truyền thống đoàn kết, tin tưởng vào sự đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới.

Các xóm Đồng Tâm ( Động Đạt) và Na Sàng, Phú Thọ (Phú Đô) được biết đến bởi… nghèo nhất huyện. Nghèo vì người dân chưa đủ đất sản xuất, thiếu tiền vốn đầu tư, chưa có kinh nghiệm phát triển kinh tế theo xu hướng thị trường. Cùng đó là hậu quả của tập quán du canh, du cư, tự sản, tự tiêu đã làm cho đời sống người dân chịu nhiều thiếu khó. Ông Lý Văn Día, Trưởng xóm Đồng Tâm cho biết: Xóm có gần 60 hộ, 280 nhân khẩu, 99% là người dân tộc Mông. Để có cuộc sống ổn định như hôm nay, nhiều hộ trong xóm được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà ở, tiền mua máy nông cụ phát triển sản xuất. Khoảng 3 năm gần đây, Nhà nước đã hỗ trợ cho 22 hộ ở Đồng Tâm và các xóm Na Sàng, Phú Thọ với tổng vốn 150 triệu đồng để phát triển vườn cây ăn quả; 15 hộ được hỗ trợ tổng vốn 440 triệu đồng phát triển chăn nuôi trâu, bò. Hiện các mô hình này phát triển ổn định và bắt đầu cho thu hoạch. Hiện xóm Đồng Tâm đã được huyện công nhận thoát khỏi tình trạng khó khăn, lạc hậu.

Về xã Yên Ninh, đến xóm người Dao Suối Bốc, chúng tôi được ông Đặng Quý Ngân, Trưởng xóm cho biết: Suối Bốc có 98 hộ, 278 nhân khẩu, 95% là người dân tộc Dao. Người dân xóm Suối Bốc nhận được rất nhiều sự quan tâm của Nhà nước trong đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở; về nâng cao trình độ sản xuất thông qua các lớp tập huấn và hỗ trợ cho các hộ nghèo ổn định cuộc sống. Đặc biệt ở xóm Đồng Danh, Nhà nước đầu tư hơn 6,7 tỷ đồng để xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung cho nhân dân.

Nói đến chuyện xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, bà Nguyễn Thị Mai, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè (Hợp tác xã nông sản an toàn Yên Đổ) chia sẻ: Tổ hợp tác có gần 30 thành viên, chủ yếu là người dân tộc Tày. Chúng tôi được chính quyền địa phương vận động vào Tổ hợp tác để sản xuất có hiệu quả hơn. Giản đơn như việc được tham gia các lớp tập huấn sản xuất chè an toàn, rồi cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nhờ đó chè của chúng tôi đạt năng suất cao hơn, từ 70 kg/sào lên hơn 100 kg/sào. Chất lượng chè bảo đảm hơn, giá bán đạt cao hơn khoảng 20.000 đồng/kg so với các hộ đứng ngoài Tổ hợp tác.

Thực hiện chính sách dân tộc, miền núi, trong 5 năm gần đây, huyện Phú Lương được Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đầu tư này, trên địa bàn huyện đã có thêm 58 công trình giao thông, 10 công trình thủy lợi, 3 công trình trường học, 6 công trình trụ sở UBND xã, 14 công trình nhà văn hóa... được xây dựng hoàn thiện, đưa vào phục vụ đời sống của người dân. Đặc biệt từ nguồn vốn Chương trình 135, trong huyện có hơn 5.000 lượt hộ được hỗ trợ với tổng vốn gần 13 tỷ đồng để mua tư liệu sản xuất, như: Máy nông nghiệp, giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…

Được hỗ trợ đúng lúc, người dân vùng khó vơi bớt khó khăn, có điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Hơn thế, nhiều người dân, nhất là ở các khu vực miền núi xa xôi, khó khăn của huyện đã bỏ được một số tập quán canh tác lạc hậu, để sản xuất theo hướng thị trường, như tại một số xóm người dân tộc Mông, dân tộc Dao đã xuất hiện mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, như: Nuôi trâu, bò thịt; nuôi gà thả núi; bảo quản, đóng gói sản phẩm trà, dược liệu. Gần 1.000 hộ được hỗ trợ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 65 hộ nghèo được hỗ trợ đất sản xuất; gần 50.000 lượt người nghèo được Nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, với tổng kinh phí 4,6 tỷ đồng.

Bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước; sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền nhân dân các cấp; sự công tâm, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên môn và nỗ lực vươn lên của người dân, tất cả tạo nên một sức mạnh tổng hợp làm chuyển biến những vùng đất khó.