Luôn hướng về nguồn cội

16:01, 22/07/2019

Chiến tranh qua đi, nhiều người lính trở về xum họp với gia đình, nhưng cũng còn rất nhiều người đã nằm lại chiến trường, để lại đằng sau là mẹ già, những người vợ, người con của họ với bao nỗi niềm thương nhớ. Chúng tôi, những người con của liệt sĩ, được sinh ra trong chiến tranh, bị thiệt thòi, khuyến thiếu rất nhiều so với các bạn gia đình đủ đầy cả cha lẫn mẹ. Để bù đắp một phần thiếu hụt, mất mát của những đứa trẻ mồ côi cha như chúng tôi, khi vào cấp 3 (khóa học 1979-1982) Trường Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên, nhà trường đã xếp tất cả các bạn con liệt sĩ vào cùng một lớp.

Ngày đó, khi bắt đầu vào học cấp 3 tại Trường Lương Ngọc quyến, lớp tôi ban đầu là 8T, rồi đến 9T. Cuối năm 1981, Nhà nước thực hiện cải cách giáo dục, chuyển từ hệ 10 năm sang 12 năm nên lớp chúng tôi đổi sang một tên mới - 12B1, khóa thứ 33 của trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến. Cái tên 12B1 đó luôn ấn tượng và hằn sâu trong tâm khảm của chúng tôi. Lúc mới bước chân vào trường, cái tên 8T rồi 9T tôi cứ nghĩ nó chỉ đơn giản là một con số được gắn với các chữ cái A,B,C,D cho dễ nhận biết các lớp với nhau, sau này tôi mới hiểu lớp 12B1 là để dành riêng cho con của liệt sĩ. Nhà trường xếp chúng tôi vào một lớp để dành sự quan tâm đặc biệt, cô giáo được nhà trường lựa chọn phải là cô giáo tận tâm, biết chia sẻ, thương yêu học sinh, bởi mỗi thành viên chúng tôi đều có những hoàn cảnh rất đặc biệt, khác rất nhiều so với những bạn học trong trường.

Ở trong hoàn cảnh ấy, mỗi cá nhân lại có những mảnh đời riêng, khi viết những dòng này, ký ức cũ của những ngày tháng gian khó nhất trong cuộc đời lại ùa về khiến tôi không khỏi nghẹn ngào. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chúng tôi mỗi người một ngả. Thời đó thi đại học rất khó, với hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn trăm bề như chúng tôi, nếu năm đầu thi không đỗ thì cũng chỉ có ít gia đình cho con ôn và thi đại học lại. Các bạn hầu hết là đăng ký đi xuất khẩu lao động, đi học nghề. Sau bao năm bôn ba, chúng tôi đã trưởng thành, nhưng thực sự là trong cái sự trưởng thành ấy, mỗi người cũng rất khác biệt. Có người nay đã thành đạt, giàu có, có người chỉ đủ sống, có người thậm chí bây giờ vẫn rất khó khăn, bôn ba tận phương trời tây để làm ăn nhưng cũng chỉ đủ cho cuộc sống tối thiểu, việc trở về thăm quê hương cũng phải tính toán, cân nhắc… Có vài bạn bị bệnh hiểm nghèo, cũng đã không còn trên thế gian này.

Từ lúc rời khỏi ghế nhà trường tính đến nay cũng đã suýt bốn chục năm, thời gian trôi quá nhanh nên đến giờ tôi cũng chẳng thể nhớ được sỹ số năm cuối cùng lớp 12B1 là bao nhiêu bạn, bởi hàng năm lớp tôi lại bổ sung thêm bạn mới vào, cũng có bạn phải ở lại lớp hoặc vì hoàn cảnh mà không tiếp tục học nữa. Điều đọng lại và ấn tượng nhất, đó là hàng năm, vào dịp cuối tháng 7, khi cả nước chuẩn bị kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ, các thành viên của lớp 12B1 lại cùng nhau gặp mặt, tập trung tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim (TPTN) để thắp nén tâm nhang, trước hết là tri ân các anh hùng liệt sĩ, sau đó là để tưởng nhớ những người cha đã được chúng tôi tìm kiếm hài cốt mang về từ nhiều miền quê khác nhau, trải dài từ Quảng Trị trở vào đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ. Tôi cũng chẳng nhớ mình và các bạn của mình đã thực hiện nghi lễ này bắt đầu từ khi nào, ban đầu xuất phát từ việc một số bạn đi tìm và mang được hài cốt của bố về, chúng tôi cùng nhau tụ lại như để đón người thân. Khi đã trưởng thành hơn, bắt đầu lớn khôn hơn và biết ý thức được cội nguồn, hiểu được ý nghĩa của những người đã hy sinh xương máu cho lá cờ Tổ quốc luôn tươi thắm, hiểu được giá trị của đất nước hòa bình, độc lập, tự do mà những liệt sĩ trên khắp đất nước, trong đó có người cha thân yêu của chúng tôi đã góp phần làm nên, thì việc thăm viếng nghĩa trang mỗi khi có thể đã trở nên rất thân quen, như là người con xa quê trở về ngôi nhà của mình.

Số thành viên 12B1 tham gia gặp mặt và thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ hàng năm không bao giờ đủ, nhưng mỗi năm lại thêm đông bởi chúng tôi sống, làm việc ở các địa giới hành chính khác nhau, điều kiện thực tế không phải lúc nào cũng cho phép. Trong số trên dưới bốn chục bạn học trong lớp, đến nay cũng chỉ chưa đến một nửa số bạn may mắn tìm và mang được hài cốt của bố trở về với đất mẹ. Khi ngồi xem những tấm ảnh, clip ghi lại hành trình chúng tôi thực hiện nghi lễ dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim qua các năm, đặt hoa viếng mộ những người cha của mình, tôi đã xúc động đến nghẹn ngào khi nghe được câu nói của một bạn trong lớp. Bạn ấy bảo rằng, các cậu thật may mắn khi tìm được hài cốt và mang bố trở về, tớ đã cất công tìm kiếm bố tớ rất lâu rồi, nhưng cũng chẳng có manh mối gì. Khi bố đi B, tớ mới đẻ được có 17 ngày, bố đi rồi bặt tăm luôn, sau này chỉ biết bố qua ảnh chụp trước khi đi. Mà chẳng riêng gì bạn ấy, hầu như tất cả chúng tôi đều ở trong hoàn cảnh như vậy - chiến tranh mà. Mẹ sinh tôi được 9 ngày, bố về được 12 ngày rồi đi mãi. May mắn như tôi, chào đời bố còn kịp về nhìn mặt con rồi đi, nhiều bạn khác, bố chẳng kịp biết mặt con lần nào.

Trong hành trình công tác của mình, tôi may mắn hơn các bạn, có điều kiện đi hầu khắp mọi miền của đất nước. Từ núi Bà Đen - một địa danh nổi tiếng khốc liệt tại Tây Ninh năm xưa, được nghe kể lại cuộc chiến ráp lá cà giữa ta và địch khi giành giật từng vị trí chiến lược. Rồi đến thăm căn cứ địa rừng Sác tại Cần Giờ, địa đạo Củ Chi, Nghĩa trang đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị, nơi chiến đấu và hy sinh anh dũng của 10 cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc, rồi hành trình ra thăm các chiến sỹ hải quân tại quần đảo Trường Sa và nhà dàn DK1… Được thăm các địa danh cách mạng, hồi tưởng lại những ký ức chiến tranh khốc liệt và gian khổ mà cha ông mình đã phải trải qua, tôi luôn thấm thía và thấy được công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh xương máu, vì dân, vì nước, để chúng ta có được cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay.