Chưa bao giờ việc dập dịch đối với đàn vật nuôi của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương lại quyết liệt như đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Có nhiều nơi, cán bộ tham gia dập dịch dù chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước nhưng vẫn hết lòng với công việc, thậm chí ứng trước tiền túi để mua thêm phương tiện chống dịch... Cuối tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã có một ngày cùng Đội tiêu hủy lợn dịch của xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) đi thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi thêm thấu hiểu nỗi vất vả của những người thực thi nhiệm vụ này.
Xã Huống Thượng có 254 hộ dân chăn nuôi lợn, trong đó, có tới trên 80 hộ dân ở 10/10 xóm đã phải tiêu hủy trên 1.100 con lợn (trên 49 tấn). Từ ngày 8-5, phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đến nay, các thành viên Đội tiêu hủy lợn chưa có ngày nào được nghỉ, kể cả ngày cuối tuần. Một đội gồm 6 người: 1 cán bộ của xã Huống Thượng, 1 cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, 1 cán bộ Phòng Kinh tế (T.P Thái Nguyên) và 3 người được thuê để giúp vận chuyển lợn đi tiêu hủy.
Theo quy định, cứ vào 6 giờ 30 phút hàng ngày, các bí thư chi bộ, trưởng xóm của 10 xóm lại báo cáo về tình hình dịch bệnh của xóm qua phần mềm Zalo trên điện thoại di động để lãnh đạo xã nắm bắt tình hình, lên phương án, kế hoạch tiêu hủy lợn trong ngày. Nhờ vậy, hôm chúng tôi đi cùng Đội biết được sẽ phải tiêu hủy lợn của 4 hộ dân trong xã.
7 giờ 30 phút, sau khi đã chuẩn bị dụng cụ, đồ bảo hộ, thuốc khử trùng, chúng tôi có mặt tại gia đình anh Lê Công Tiến, ở xóm Cậy để tiêu hủy 4 con lợn thịt. Mặc dù mới đầu buổi sáng nhưng cái oi bức của mùa hè đã khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt. Các thành viên trong Đội tiêu hủy lợn mặc quần áo bảo hộ, tay đeo găng, đi ủng để bắt tay vào công việc. Trời nắng nóng hầm hập, mùi phân chuồng cộng với mùi hôi thối từ những con lợn đã chết khiến những người có mặt không khỏi rùng mình. “Những ngày đầu, có người về nhà nhìn thấy cơm không dám ăn, thấy thịt không dám gắp vì bị ám ảnh. Giờ đi dập dịch nhiều, chúng tôi đã miễn nhiễm rồi.” - Chị Giáp Thị Thanh, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.P Thái Nguyên, thành viên đội tiêu hủy chia sẻ.
8 giờ 30 phút, chúng tôi di chuyển đến gia đình anh Nguyễn Văn Tiệp, xóm Huống Trung là một trong những gia đình nuôi lợn nhiều nhất xã. Anh Tiệp buồn rầu cho biết: Kinh tế của gia đình trông cả vào chăn nuôi lợn. Bao nhiêu vốn liếng đều đã đầu tư làm chuồng trại, mua con giống và cám. Bây giờ, gia đình tôi vẫn còn khoản nợ ngân hàng lên đến hàng trăm triệu đồng, cùng với tiền cám chưa trả được.
Số lượng lợn phải tiêu hủy của gia đình anh là 162 con (trên 6,4 tấn). Mỗi con lợn nái nặng gần 3 tạ nên đội tiêu hủy không thể khiêng, khênh như lợn thịt mà phải thuê máy tời để kéo ra khỏi chuồng cho lên xe ô tô tải. Mỗi người một việc, người khênh, người kéo, người cân, người kiểm đếm lại số lượng lợn, ai cũng đầm đìa mồ hôi. Anh Đặng Đình Hướng, người được thuê đi tiêu hủy lợn phân trần: Lúc xã mới phát hiện dịch, tôi không dám tham gia vì sợ đi tiêu hủy sẽ lây sang đàn lợn của gia đình. Nhưng tôi lại nghĩ nếu ai cũng từ chối thì ai sẽ là người làm. Hơn nữa, được các anh chị trong Đội tiêu hủy động viên nên tôi đã tham gia cả tháng nay chưa ngày nào nghỉ.
Kết thúc việc tiêu hủy đàn lợn của gia đình anh Tiệp cũng là lúc kim đồng hồ chỉ sang 14 giờ 30 phút. Tranh thủ ăn vội bát cơm rồi nghỉ ngơi cho lại sức, 15 giờ, Đội tiêu hủy lại tiếp tục đến gia đình ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng xóm Huống Trung và một hộ dân khác trong xóm để tiêu hủy trên 30 con lợn đã bị nhiễm bệnh. Ông Hải cho biết: Trong xóm có 167 hộ nuôi lợn thì đã có trên 30 hộ dân đã phải tiêu hủy lợn. Một số hộ dân vì tiếc nên có ý định giữ lại những con lợn khỏe mạnh để nuôi tiếp. Do vậy, chúng tôi đã phải đến động viên, giải thích để họ đồng ý tiêu hủy cả đàn, đặc biệt là đối với đồng bào người công giáo rất sợ việc sát sinh.
Công việc của Đội tiêu hủy lợn thường không có thời gian cố định, có lợn phải tiêu hủy là lên đường, khi nào tiêu hủy xong hết lợn dịch họ mới về nhà, không để kéo dài sang hôm sau. Trong đợt cao điểm, có ngày Đội phải tiêu hủy 5-7 tấn lợn, với số lượng lên đến cả vài trăm con. Riêng khâu kiểm đếm và cân đã mất một buổi. Khó khăn nhất khi đi dập dịch đó là không có người đi làm công việc tiêu hủy lợn. Những ngày đầu dịch bùng phát, Đội tìm người, thuê xe tải, máy xúc, mượn cân,… rất khó khăn vì nhà nào cũng sợ lây lan dịch bệnh nên không muốn hỗ trợ.
Anh Dương Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Huống Thượng cho biết: Hiện, xã phải trích ngân sách dự phòng của địa phương để thuê thêm người trong xã mới đủ nhân lực, nhưng nguồn tiền này cũng đã hết. Việc thống kê, đối chiếu hồ sơ giữa Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp với Phòng Tài chính và UBND xã mất nhiều thời gian nên chưa đội tiêu hủy nào nhận được kinh phí hỗ trợ. Được biết, anh em trong đội nhiều khi phải ứng cả tiền túi để mua găng tay, bình xịt... phục vụ cho việc chống dịch. Công việc vất vả, lại thường xuyên tiếp xúc với lợn chết nên chuyện gia đình phản đối là thường tình. Không chỉ “căng mình” dập dịch, các đội tiêu hủy còn phải bám sát địa bàn, theo dõi các hố chôn để tránh xảy ra vi phạm. Mỗi hố chôn đều được đánh dấu trên bản đồ địa chính và lên lịch giám sát, quản lý nhằm xử lý kịp thời những sự cố liên quan đến ô nhiễm môi trường. Nhờ đó mà đến nay trên địa bàn xã Huống Thượng chưa có hố chôn nào xảy ra tình trạng sụt lún, rò rỉ nước dịch.
17 giờ 30 phút, công việc tiêu hủy đàn lợn bệnh của 4 hộ dân trong xã đã kết thúc, số lượng tiêu hủy là gần 7 tấn. Tất cả chúng tôi vừa buồn vừa mệt, lòng thầm mong “bão dịch” sớm đi qua để Đội tiêu hủy không phải làm công việc chẳng ai muốn làm.